Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, huyện Võ Nhai đã triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhân viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai thường xuyên bám sát đồng ruộng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất sau khi được học nghề.

Nhân viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai thường xuyên bám sát đồng ruộng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất sau khi được học nghề.

Gia đình bà Lê Thị Thanh, dân tộc Nùng, ở xóm Làng Phật, xã Phú Thượng (Võ Nhai), hiện có 7 sào ruộng. Với những chân ruộng này, ngoài 2 vụ cấy lúa thì có thể canh tác vụ đông. Trước đây, bà Thanh trồng 1-2 sào khoai tây, nhưng do sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất, hiệu quả không cao. Năm 2023, sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai tổ chức, bà Thanh đã tăng diện tích trồng cây vụ đông lên 7 sào.

Bà Lê Thị Thanh: Nhờ được học nghề, tôi làm chủ được toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu làm đất, bón phân, quản lý dịch hại đến tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ đông. Chính vì thế, gia đình mạnh dạn tăng diện tích trồng cây màu, chủ yếu là khoai tây và dưa chuột bao tử. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào cho thu lãi trên 5 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước khi tôi được học nghề...

Cũng như gia đình bà Thanh, sau khi tham gia lớp dạy nghề, 29 hộ khác đã vận dụng kiến thức học được vào sản xuất. Ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, chia sẻ: Các lớp đào tạo nghề đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của bà con. Cùng với mở rộng diện tích, người dân còn chú trọng chuyển đổi sang nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Hai năm qua diện tích cây trồng vụ đông của xã đạt khoảng 40ha, trong đó chủ yếu trồng là cà chua, khoai tây, dưa chuột, ớt…

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tiểu dự án 3 của Dự án 5), từ năm 2022 đến nay, huyện Võ Nhai đã mở được 22 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho gần 1.000 học viên, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngành nghề chủ yếu là: Chế biến chè xanh; nuôi và phòng trị bệnh cho gà; trồng cây có múi; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng rau an toàn…

Ông Hà Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai: Hằng năm, chúng tôi đều phối hợp với các xã rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề bám sát vào nhu cầu thực tế của từng địa phương. Trong quá trình đào tạo, đơn vị tôi luôn thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” để mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân sau khi học nghề.

Việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng giá trị lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Năm 2024, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện tằng từ 37% năm 2022 lên trên 75% trong năm nay (trong đó số lao động có chứng chỉ là 23%); góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện. Kết thúc năm 2024, Võ Nhai chỉ còn 8,37% hộ nghèo và 7,48% hộ cận nghèo.

Ông Triệu Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai, cho biết: Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề đối người dân trên địa huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giúp người dân sau khi học xong có thể áp dụng ngay vào thực tế…

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202412/hieu-qua-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-785061b/