Đan Mạch hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo
Ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch từng bước chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo
Chúng ta đang chứng kiến sự tiến triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam và Đan Mạch, từ quan hệ viện trợ phát triển truyền thống sang quan hệ đối tác toàn diện tập trung vào thương mại và đầu tư, đối thoại chính trị sâu sắc hơn và hợp tác mang tính xây dựng trong các lĩnh vực quan trọng như tăng trưởng xanh, năng lượng, giáo dục và y tế. Đặc biệt, sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh (tháng 11/2011) và nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác toàn diện từ năm 2013.
Dấu ấn đầu tiên mang tầm “Đối tác toàn diện” là ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam được công bố năm 2017 (EOR17), đánh dấu bước khởi đầu của việc đưa ra các tầm nhìn dựa trên kịch bản dài hạn cho hệ thống năng lượng Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng cho phân tích hệ thống năng lượng trên cơ sở các mô hình tiên tiến.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, báo cáo này nhận định, hệ thống điện của Việt Nam có thể vận hành với tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo ở mức cao, đồng thời đề xuất các kịch bản tham khảo khác nhau cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cũng như xác định các cơ hội phát triển ngành điện.
Đến EOR19, các khuyến nghị đã được nâng lên một tầm cao mới với mô hình được cập nhật, bổ sung và tăng cường phân tích các kịch bản. Bởi EOR19 được xây dựng dựa trên những dữ liệu đầu vào chắc chắn hơn, bao gồm những dự báo chất lượng cao về giá của các công nghệ và nhiên liệu cũng như nhu cầu năng lượng, một bộ các mô hình năng lượng toàn diện hơn được kết nối với nhau để mô phỏng đồng bộ và chi tiết cho tất cả các ngành.
EOR19 không chỉ tập trung nghiên cứu về các kịch bản phát triển điện và năng lượng mà còn đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo EOR19 cũng là một trong những kết quả hợp tác nổi bật giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch trong khuôn khổ của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượngViệt Nam - Đan Mạchgiai đoạn 2 từ 2017-2020.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế - Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng cho rằng, với rất nhiều báo cáo kỹ thuật thì EOR19 được coi như cơ hội tốt để Việt Nam cập nhật số liệu và những phương pháp mới áp dụng vào việc xây dựng quy hoạch năng lượng.
Ông Jakob Stenby Lundsager - Cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch dẫn chứng, Việt Nam đã nhập khẩu thuần than kể từ năm 2015 và xu hướng này càng ngày càng tăng. Giai đoạn 2020 - 2030 nhập khẩu nhiên liệu than sẽ tăng gấp 3 lần và dự báo tăng gấp 8 lần so với hiện nay vào năm 2050 đã cho thấy, 3/4 lượng than tiêu thụ của Việt Nam phải nhập khẩu. Do vậy, cần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo gắn với tiết kiệm năng lượng và phát triển nhiệt điện khí, góp phần quan trọng giảm phát thải CO2, giảm nhập khẩu nhiên liệu. Đặc biệt, Việt Nam cần sớm dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới. Thêm nữa, cần phải sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lai và có hành động sớm trong tiêu thụ điện than.
Với kịch bản không có nhà máy điện than hoặc chỉ kết hợp điện than, có thể giúp giảm 39% phát thải CO2 và giảm chi phí khoảng 20 tỷ USD. Trong thời gian tới, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, năng lượng tái tạo chính là tương lai của hệ thống điện. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch từng bước chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, mà còn giúp tăng cường bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dan-mach-ho-tro-phat-trien-nang-luong-tai-tao-94424.html