Đan Mạch triệu quyền Đại sứ Mỹ về thông tin liên quan hoạt động an ninh tại Greenland

Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã triệu quyền Đại sứ Mỹ tại Copenhagen sau khi báo chí đưa tin về việc Mỹ gia tăng hoạt động an ninh tại vùng lãnh thổ tự trị Greenland.

Quang cảnh thành phố Nuuk ở Greenland. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh thành phố Nuuk ở Greenland. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc gặp với quyền Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, bà Jennifer Hall Godfrey, diễn ra tại thủ đô Copenhagen, có sự tham dự của một đại diện chính quyền Greenland. Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết trọng tâm của cuộc họp là bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) với tiêu đề “Mỹ yêu cầu các cơ quan an ninh tăng cường giám sát Greenland”.

Theo bài báo công bố hôm 7/5, các cơ quan an ninh của Mỹ được cho là đã nhận chỉ thị xác định những cá nhân tại Greenland và Đan Mạch có quan điểm phù hợp với các lợi ích chiến lược của Washington liên quan đến hòn đảo Bắc Cực này. Thông tin được dẫn từ các nguồn ẩn danh.

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhấn mạnh rằng chính phủ nước này đã thể hiện quan ngại với phía Mỹ. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông nhấn mạnh: “Mục đích của cuộc họp là để thể hiện lập trường dứt khoát của Vương quốc Đan Mạch. Chúng tôi nhận thấy quyền Đại sứ Mỹ đã tiếp nhận thông điệp này một cách nghiêm túc”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rasmussen cũng lưu ý rằng nội dung bài báo chưa được xác minh chính thức, song mục đích cuộc gặp là để nhấn mạnh với phía Mỹ rằng Đan Mạch nghiêm túc với những gì được đăng tải.

Về phần mình, Thủ hiến Greenland Jens-Frederik Nielsen đã có phản ứng cứng rắn trước thông tin trên. Phát biểu với đài truyền hình quốc gia DR của Đan Mạch, ông Nielsen cho rằng việc Mỹ tiến hành hoạt động thăm dò tại Nuuk (thủ phủ Greenland) là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Là hòn đảo lớn nhất thế giới với dân số khoảng 60.000 người, Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953, khi nó trở thành một phần không thể tách rời của Đan Mạch và người dân nơi đây được cấp quốc tịch Đan Mạch. Năm 1979, Greenland đạt được quyền tự trị, giành được quyền tự quản lớn hơn trong khi vẫn chịu sự quản lý của Đan Mạch trong lĩnh vực quan trọng như chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Hoàng Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dan-mach-trieu-quyen-dai-su-my-ve-thong-tin-lien-quan-hoat-dong-an-ninh-tai-greenland-20250509175021674.htm