Dân mạng Thái Lan bức xúc với quảng cáo của Apple vì khiến 'đất nước trông lạc hậu và tồi tàn'

Apple đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì một quảng cáo gần đây được quay tại Thái Lan, mà các nhà phê bình cho rằng mô tả đất nước này là lạc hậu và tồi tàn.

Được tải lên YouTube giữa tháng 7, đoạn video dài 10 phút là một phần của loạt phim hài ngắn có tên The Underdogs (tạm dịch là Những kẻ yếu thế), giới thiệu các tính năng và sản phẩm Apple thông qua cuộc phiêu lưu của 4 đối tác kinh doanh xui xẻo.

Ở tập mới nhất có tựa đề The Underdogs: OOO (Out Of Office), 4 nhân vật đến Thái Lan để tìm nguồn cung ứng cho một công ty đóng gói theo yêu cầu của khách hàng khó tính và ích kỷ ở Mỹ, do nam diễn viên Christopher Mintz-Plasse trong phim Superbad thủ vai.

Để thích nghi với những yêu cầu liên tục thay đổi của khách hàng này, họ chạy khắp đất nước trên những chuyến tàu, xe buýt và xe tuk-tuk cũ kỹ, cố gắng tìm một nhà cung cấp chính. 4 đối tác kinh doanh gặp những người dân địa phương dễ tính và vào một khách sạn rất tồi tàn, nhưng mọi vấn đề của họ cuối cùng đều được giải quyết nhanh chóng nhờ các tính năng của Apple.

Năm 2020, The Underdogs đã được Hiệp hội đạo diễn Mỹ đề cử cho giải đạo diễn quảng cáo, nhưng tập mới nhất bị chỉ trích trên các mạng xã hội, dẫn đến việc Apple phải tắt phần bình luận video trên YouTube.

Apple tắt bình luận video The Underdogs: OOO (Out Of Office) trên YouTube - Ảnh chụp màn hình

Apple tắt bình luận video The Underdogs: OOO (Out Of Office) trên YouTube - Ảnh chụp màn hình

Nhiều lời phàn nàn từ các tài khoản người Thái đã xuất hiện trên TikTok và X, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

"Video mô tả một thứ gì đó giống như Thái Lan vào những năm 1960", TikToker That Thai Auntie cho biết.

Nhiều nhà bình luận lưu ý rằng nhiều kiến trúc và nội thất trông tồi tàn dù phần lớn quảng cáo được quay ở Bangkok (thủ đô Thái Lan), một thành phố hiện đại hóa cao.

Những người khác nhận xét về việc chỉnh màu nâu sepia cho đoạn phim, mà một số nhà phê bình truyền thông cho rằng thường được sử dụng để truyền tải môi trường kém giàu có hơn.

Một người dùng X nói đùa rằng Thái Lan đã trở thành một quốc gia "bộ lọc màu vàng" khi bình luận: "Tôi thích cách Apple đưa bộ lọc thế giới thứ ba vào Bangkok đương đại trong quảng cáo của họ. Thật đẳng cấp".

Nhiều người dùng mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh về Thái Lan hiện đại, đối lập với quang cảnh tồi tàn trong phần lớn quảng cáo này.

Trong bài đăng đã có gần 70.000 lượt xem, một TikToker đã so sánh video của Apple với quảng cáo Google Pixel 2023 đầy màu sắc, có cả khía cạnh hiện đại và mộc mạc trong cuộc sống ở Thái Lan.

Đã sống ở Thái Lan hơn một năm, người dùng TikTok Rohit Singh cho biết "100% là định kiến". Anh đã quay phản ứng của mình tại một sân bay, nhấn mạnh rằng nội thất hiện đại hơn nhiều so với những gì hiển thị trong quảng cáo của Apple. Rohit Singh cho rằng hình ảnh này đặc biệt gây tổn thương cho người Đông Á, vì lượng lao động sản xuất mà các quốc gia này cung cấp cho các hãng công nghệ.

Năm ngoái, trang Nikkei Asia đưa tin Apple đang tìm cách mở rộng cơ sở sản xuất của mình ra ngoài Trung Quốc và đặt mục tiêu lắp ráp Macbook tại Thái Lan.

Dù vậy, Thủ tướng Thái Lan - Srettha Thavisin đã bảo vệ quảng cáo của Apple, nói rằng nó vẫn có thể mang lại lợi ích cho "sức mạnh mềm" của đất nước, tờ Bangkok Post đưa tin.

Sức mạnh mềm là khả năng tác động và thuyết phục người khác thông qua văn hóa, giá trị, chính sách đối ngoại hấp dẫn, chứ không phải bằng vũ lực hay các biện pháp cưỡng chế. Nó là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong quan hệ quốc tế để mô tả một hình thức quyền lực tinh tế hơn, dựa trên sự thu hút và ảnh hưởng văn hóa.

Các yếu tố cấu thành sức mạnh mềm:

- Văn hóa: Bao gồm các giá trị, phong tục tập quán, nghệ thuật, ẩm thực, thời trang... của một quốc gia. Khi được nhiều người yêu thích và noi theo, văn hóa của một nước sẽ tạo ra sức hút và ảnh hưởng lớn.

- Chính trị: Các chính sách đối ngoại minh bạch, nhân đạo, tôn trọng nhân quyền và pháp luật quốc tế sẽ tạo được thiện cảm và sự tin tưởng từ cộng đồng quốc tế.

- Ngoại giao công cộng: Việc truyền thông hiệu quả hình ảnh tích cực của đất nước, quảng bá các giá trị và thành tựu cũng là một phần quan trọng của sức mạnh mềm.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Apple phải đối mặt với những lời chỉ trích về quảng cáo của mình. Quảng cáo Underdogs mới nhất xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Apple gỡ bỏ quảng cáo iPad Pro 2024 không được đón nhận.

Quảng cáo đó mô tả một máy ép thủy lực nghiền nát các nhạc cụ và công cụ sáng tạo truyền thống khác, nhằm mục đích truyền tải thông tin về số lượng tính năng được nhồi nhét vào một chiếc iPad Pro 2024 siêu mỏng. Thế nhưng, điều này lại nhắc nhở nhiều người xem về mối đe dọa tiềm tàng mà công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), gây ra cho sự nghiệp sáng tạo.

Tài khoản X Michael Oswell mỉa mai Apple: “Nếu bạn nghĩ điều này tệ, hãy tưởng tượng rằng trong quảng cáo cho iPad Pro 2025 với chip M5, Apple dụ 5 sinh viên mỹ thuật vào một buồng có áp suất, sau đó Tim Cook đi vào với một chiếc rìu và làm hại họ!”.

“Quảng cáo đã vô tình tạo ra biểu tượng tuyệt vời cho việc chúng ta đang chứng kiến sự phá hủy vẻ đẹp, sự sáng tạo truyền thống chỉ vì lợi nhuận”, tài khoản X David Goldfarb bình luận.

Về trường hợp này, Tor Myhren (Giám đốc tiếp thị và truyền thông Apple) cho biết công ty "không đạt được mục tiêu".

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dan-mang-thai-lan-buc-xuc-voi-quang-cao-cua-apple-vi-khien-dat-nuoc-trong-lac-hau-va-toi-tan-222254.html