Dân miền Tây đổ xô 'săn' nấm lạ có giá đắt gấp 10 lần thịt lợn

Dân miền Tây đổ xô "săn" nấm lạ có giá đắt gấp 10 lần thịt lợn Nấm mối vốn không xa lạ ở miền Tây nhưng nay trở nên hiếm lạ khi giá bán loại nấm này bỗng tăng vọt lên gấp 10 lần giá thịt lợn khiến nhà nhà, người người đổ xô đi săn tìm.

1 ký nấm mối bằng chục ký thịt heo

Ở ấp An Hòa, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ông Ba Chân (Trần Văn Chân, 60 tuổi) được xem là một người khá am tường nghề “săn nấm mối”. Nhiều người kể, những mùa nấm mối, trong lúc thiên hạ đổ xô đi lục lọi bụi bờ mà chẳng tìm được chiếc nấm nào thì ông Ba Chân ung dung đủng đỉnh đi phía sau, vừa đi vừa hút thuốc mà vẫn nhổ được hàng ký lô nấm.

Ông Ba Chân cho biết: “Lâu nay dân sành ăn chỉ khoái nấm mối mọc tự nhiên ở miệt vườn miền Tây Nam bộ. Nấm miền Đông Nam bộ và nấm trồng nhân tạo dù giá bán chỉ 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg, nhưng họ chê rậm rề, vì cho rằng không dai, không ngọt bằng nấm tự nhiên. Mấy ngày nay thương lái bắn tin, ai nhổ được nấm mối thì họ mua với giá 1,4 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/kg. Nghe mức giá này ai nấy cũng lên ruột, bỏ công đi tìm nhưng chẳng có nấm.

Nấm mối được người dân săn lùng ráo riết

Nấm mối được người dân săn lùng ráo riết

“Nếu tính giá thịt heo hiện nay bình quân chỉ 140.000 đồng/kg, giá tôm càng xanh tươi sống loại 1 chưa đến 200.000 đồng/kg, thì giá nấm mối từ 1,4 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg là quá khủng”, ông Ba Chân nói.

Anh Nguyễn Văn Hiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) – một người săn nấm mối cho biết: Càng ngày nấm mối càng khan hiếm. Những năm trước các vườn dừa lão yên tĩnh ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày… mọc nhiều nấm mối. Nấm thường mọc ở những vườn dừa có nhiều lá dừa mục, các gò đất cao. Nơi nào có nấm mối mọc là phía dưới luôn luôn có tổ mối. Nhưng việc cải tạo vườn dừa lão, vườn tạp, cộng với việc nhà vườn sử dụng thuốc hóa học trong canh tác, nên nhiều tổ mối bị tiêu diệt, nấm mối cũng giảm sản lượng, từ đó mới có giá ngất ngưỡng trên trời.

Theo anh Hiệp, nấm mối được nhiều người ưa chuộng vì có thể chế biến thành rất nhiều món ăn, từ bình dân cho tới cao cấp trong các nhà hàng đặc sản. Hồi nấm mối còn bình dân, dịp tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, nhà vườn tìm nhổ nấm mối mang về rửa sạch đất, ngâm qua nước muối để khử trùng, sau đó đem xào sơ với mỡ heo làm nhân bánh xèo, được xem là món “ngon tuyệt cú mèo”. Ở xứ dừa Bến Tre, nhiều người còn đem nấm mối um với lá cách, nước cốt dừa, được dân sành nhậu đánh giá là ngon gấp nhiều lần món lươn um.

Cầu kỳ hơn, các nhà hàng đặc sản ở miền Tây còn có món nấm mối ướp gia vị quấn lá cách, mỡ chài nướng trên bếp than hồng, một dĩa chưa đầy 20 nấm giá bán 100.000 đồng -150.000 đồng. Đơn giản hơn, nhiều người sử dụng nấm mối thay thịt, cá để nấu canh tập tàng với các loại rau vườn như rau má, mồng tơi, rau ngót… đều rất ngon. Nhiều người ăn chay tịnh còn nghĩ ra cách, mua nấm mối về làm sạch rồi phơi khô, để ăn dần cả năm cho đỡ thèm món nấm đặc sản.

Những chuyện lạ lùng về nấm mối

Theo ông Ba Chân, từ xưa miệt vườn Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đã được xem là những “mỏ nấm mối”. Nhưng nấm mối là loài thực vật rất kỳ lạ. Một năm, nấm mối chỉ xuất hiện một lần. Chịu khó để ý, từ cuối tháng 4 âm lịch nếu xuất hiện những cơn “mưa già thúi đất” liên tiếp 2 - 3 ngày rồi nắng vừa ấm trở lại, buổi sáng sớm nghe hơi gió lạnh lạnh thổi lao xao dưới các tán cây trong vườn, thì đó là thời điểm nấm mối đội đất chui lên.

Ngoài độ ngon, nấm mối còn được người dân thú thích tìm kiếm bởi những câu chuyện lạ lùng về loài sản vật của thiên nhiên này.

Ngoài độ ngon, nấm mối còn được người dân thú thích tìm kiếm bởi những câu chuyện lạ lùng về loài sản vật của thiên nhiên này.

Nhưng nấm mối rộ nhất là dịp tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 AL, sau đó kéo dài đến khoảng cuối tháng 6 AL là hết mùa. Năm trước nấm mối xuất hiện ở nơi nào, vào thời điểm nào, thì năm sau nó cũng xuất hiện đúng theo chu kỳ địa điểm, ngày giờ như vậy, không sai chút nào. Bởi vậy mà những người đi săn nấm mối chuyên nghiệp thường nhớ địa điểm năm trước nhổ được nấm để năm sau đến đó thật sớm, bẻ nhánh cây hay chặt tàu lá dừa úp lên vùng đất dự đoán có nấm mọc để làm dấu xí phần.

Đây là một quy luật bất thành văn của những người săn nấm mối: Nếu thấy nơi nào có nhánh cây, tàu dừa, chà tre của người khác làm dấu xí phần thì không được nhào vô nhổ nấm. Nhưng hiện nay quy luật kỳ lạ này chỉ có hiệu lực đối với những người cùng xóm ấp, còn những kẻ săn nấm mối vãng lai từ nơi khác đến thì không ai chấp hành, nên năm nào cũng có chuyện gây sự đánh nhau vì tranh giành nấm mối.

Nhắc chuyện thiên hạ hay kháo nhau nấm mối là “nấm ma”, không phải ai cũng có thể tìm gặp và nhổ được, ông Ba Chân cười khà khà, giải thích: Chu kỳ sinh trưởng của nấm mối rất ngắn. Từ giữa đêm, nấm mối ở dưới đất sâu từ từ chui lên mặt đất. Khoảng 5 - 6 giờ sáng thì nấm bắt đầu mọc rộ, đến 9 - 10 giờ thì nở bung, khoảng 11 - 12 giờ là tàn rụi. Do đó dân đi nhổ nấm phải đi từ lúc trời còn mờ sương, có người phải sử dụng đèn pin, đuốc lá dừa đi nhổ nấm, vì sợ đi trễ thì người khác sẽ nhổ hết. Do phía trên mũ nấm có màu xám đen như màu đất trong vườn nên rất khó phát hiện, đặc biệt là trong cảnh tranh tối tranh sáng lúc hừng đông.

Ông Ba Chân kể thêm: “Hồi nấm mối còn mọc nhiều, mỗi mùa nấm chuyện người đi trước không nhìn thấy nhưng người đi sau nhìn thấy, nhổ được vài ký lô, thường xảy ra. Thậm chí có nhiều người 2 - 3 lượt đi ngang qua ổ nấm đang mọc, đạp nấm bể nát mà vẫn không phát hiện, nhưng người khác lại nhìn thấy. Hay có người được nể phục nhất, tôn là “cao thủ săn nấm mối” vì có thể ngửi thấy “mùi nấm mối” trong khoảng cách 20m - 30m".

Nhiều người còn thêu dệt nấm mối rất “linh thiêng” nếu dùng tay nhổ nấm thì năm sau nấm tiếp tục mọc. Nhưng dùng dao, cuốc, xẻng đào cả gốc nấm thì không bao giờ nấm mọc lên nữa. Sự thật là từ xưa đến nay chưa ai có thể giải thích được lý do tại sao nấm mối lại kỵ với các dụng cụ bằng sắt thép. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn nấm mối, khi nhổ nấm búp mới nhú lên khỏi mặt đất (có giá bán cao nhất) thì họ thường dùng thanh tre vót mỏng để đào gốc nấm chứ không bao giờ dùng dao bằng sắt thép.

Nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus, là loài nấm cộng sinh với loài mối, nơi nào có tổ mối là nơi đó có nấm mối mọc. Từ tổ mối nằm sâu dưới đất, khi gặp thời tiết thuận lợi sẽ tiết ra meo để phát triển thành nấm, tùy tổ mối lớn hay nhỏ mà ổ nấm mọc nhiều hay ít.

Nấm mối được chia thành các phân loài: nấm mối đen, nấm mối trắng và nấm mối vàng, trong đó nấm mối đen (phổ biến nhất ở miền Tây Nam bộ) là loài nấm mối tốt nhất.

Ngoài việc làm thức ăn do có nhiều giá trị dinh dưỡng như giàu canxi, phốt pho, sắt, protein và các chất dinh dưỡng khác, nấm mối còn được dùng làm dược liệu. Các tài liệu cho thấy nấm mối có lợi cho người bệnh tật và người cao tuổi, cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư, giảm lượng đường trong máu nếu ăn thường xuyên. Ngoài ra nấm mối còn có lợi cho kinh nguyệt và làn da phụ nữ nên thường được sử dụng làm mỹ phẩm.

Hùng Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dan-mien-tay-do-xo-san-nam-la-co-gia-dat-gap-10-lan-thit-lon-d170198.html