Dân mòn mỏi chờ cấp đổi sổ đỏ
ĐBP - Để đảm bảo lợi ích cho người dân góp đất trồng cây cao su, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung gỡ vướng, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân, làm cơ sở để phân chia lợi nhuận cho người dân khi cao su đi vào khai thác mủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được chính quyền cấp GCNQSDĐ và ký hợp đồng góp đất với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên (gọi tắt là Công ty). Điều này không chỉ gây khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng đất góp, mà còn thiệt thòi cho người dân góp đất do chưa có cơ sở để chia lợi nhuận từ việc khai thác mủ ở các vườn cây cao su đến kỳ thu hoạch.
Người dân góp đất trồng cao su mong muốn sớm được cấp sổ đỏ để được chia lợi nhuận khai thác mủ.
Sau nhiều năm đưa vào trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện tổng diện tích đất Công ty trực tiếp quản lý và sử dụng đưa vào trồng cao su hơn 4.727ha. Trong đó, diện tích đất góp của người dân hơn 4.534ha và diện tích đất góp khác (đất tập thể, cộng đồng, đất do UBND xã quản lý) gần 193ha; chủ yếu tập trung tại các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ. Đến nay, tổng diện tích vườn cây cao su của Công ty đã đưa vào khai thác mủ hơn 2.771ha; diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản hơn 963ha. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất đối với các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng tham gia góp đất trồng cao su vẫn chưa hoàn thiện; trong đó, lý do chính là do nhiều hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ.
Điển hình, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) hiện còn 70 hộ dân, cá nhân góp đất với 85 thửa, diện tích 49,72ha chưa được cấp GCNQSDĐ và ký hợp đồng với Công ty. Trong đó, đã nộp 30 hồ sơ cấp giấy của gia đình, cá nhân với 38 thửa đất, diện tích 25,65ha; hiện còn 40 hồ sơ với 47 thửa chưa đủ điều kiện để lập hồ sơ cấp giấy. Gia đình ông Hoàng Văn Chức, xã Thanh Xương đã góp hơn 1,5ha để trồng cao su. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy GCNQSDĐ và ký kết hợp đồng với Công ty. Do đó, những năm qua, gia đình ông chưa được hưởng phần trăm lợi tức từ việc thu hoạch mủ cao su. Gia đình ông Chức mong muốn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cấp giấy GCNQSDĐ cho gia đình, để được hưởng chế độ góp đất theo quy định.
Theo ông Đặng Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, hiện nay tổng diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su trên địa bàn huyện chưa được cấp GCNQSDĐ còn 65,6ha, với 114 thửa. Trong đó, xã Thanh Xương 49,72ha; Thanh An 2,85ha của 8 hộ; Hua Thanh 4,1ha của 10 hộ và Mường Pồn 9,03ha của 11 hộ. Bên cạnh đó, tổng diện tích đất cộng đồng thôn, bản góp chưa cấp GCNQSDĐ 15,13ha (Hua Thanh 1 tập thể bản với diện tích 3,6ha; Mường Pồn 3 tập thể bản với diện tích 11,53ha); và tổng diện tích đất do UBND các xã quản lý 144,6ha. Nguyên nhân chủ yếu do một số diện tích tranh chấp giữa các hộ dân; đã chuyển nhượng sang cho người khác, không xác định được chủ sử dụng mới; một số diện tích trùng với các GCNQSDĐ được cấp theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ…
Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, đối với các hồ sơ sai sót thông tin sẽ được huyện trả về cho các xã hoàn thiện. Trường hợp chủ sử dụng đất vắng mặt tại địa phương, không xác định được chủ sử dụng đất hiện tại, sẽ giao về các xã thông báo để chủ sử dụng đất, người thừa kế, người có liên quan liên hệ làm thủ tục. Đối với các phần diện tích do các tập thể bản quản lý hiện tại có một số cá nhân, gia đình đang đề nghị cấp cho các cá nhân, hộ gia đình, các xã chỉ đạo các bản tổ chức họp người dân trong bản để xác minh về chủ sử dụng đất và cam kết đồng ý với kết quả họp không khiếu kiện. Căn cứ kết quả họp của bản, xác nhận của địa phương, cơ quan Nhà nước sẽ xem xét cấp giấy GCNQSDĐ theo đúng quy định…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đã trồng cây cao su, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây nhất (tháng 1/2022), Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các huyện khẩn trương rà soát, thống nhất thông tin về chủ sử dụng đất, diện tích đất, giải quyết tranh chấp đất đai (nếu có) để đẩy nhanh việc hoàn thiện cấp cho người dân; đồng thời phối hợp với Công ty đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất đối với diện tích đã được cấp GCNQSDĐ. Cùng với đó, đề nghị Công ty chủ động phối hợp với UBND các huyện có diện tích đã trồng cây cao su nhưng chưa được đo đạc, cấp giấy để xây dựng kế hoạch tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân để ký kết hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất đối với diện tích đã được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.
Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên khai thác mủ cao su.
Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ và ký hợp đồng với Công ty. Cụ thể, hiện số hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su 4.141 hộ với 7.438 thửa đất (đã cấp được 7.206 giấy với tổng diện tích hơn 4.394ha). Tổng diện tích chưa ký hợp đồng góp đất, thuê đất gần 333ha, gồm đất cộng đồng thôn bản, xã quản lý hơn 162ha và đất hộ dân góp gần 169ha gồm 369 thửa đất của 269 hộ gia đình, cá nhân (diện tích chưa được cấp GCNQSDĐ gần 85ha). Trong đó, huyện Tuần Giáo 16,93ha; Điện Biên 65,6ha; TP. Điện Biên Phủ 8,7ha; Mường Ảng gần 0,9ha…
Ông Nguyễn Công Tám, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, hiện nay nhiều hộ dân chưa được ký hợp đồng góp đất với Công ty do các thửa đất góp chưa được cấp đầy đủ GCNQSDĐ; một số thông tin trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai lệch thông tin chủ sử dụng đất hoặc sai sót về diện tích đất góp. Người dân lưu giữ giấy tờ không đảm bảo dẫn đến mất, phải làm lại hoặc chưa hoàn thiện việc thừa kế, ủy quyền nên chưa đủ điều kiện ký hợp đồng. Bên cạnh đó, một số diện tích đang xảy ra tranh chấp; chưa xác định được chủ sử dụng đất hoặc hộ góp đất chuyển đi nơi khác, hoặc đang thi hành án, chủ hộ góp đất chết chưa có người thừa kế… Vì vậy, dẫn đến việc chi trả tiền phân chia sản phẩm cho các cá nhân, hộ dân góp đất gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tổng số tiền phân chia sản phẩm trong 4 năm (2017 - 2020) hơn 14,6 tỷ đồng và dự kiến số tiền phân chia sản phẩm khai thác năm 2021 là 10,4 tỷ đồng; trong đó, số tiền chưa chi trả gần 1,8 tỷ đồng do một số diện tích đất công chưa có thủ tục thuê đất; chưa hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng góp đất; một số diện tích đất đã ký kết hợp đồng nhưng chủ hộ không có mặt tại địa phương. Thời gian tới, Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thiện công tác rà soát diện tích trên hồ sơ và thực tế đối với diện tích góp đất trồng cao su; tổ chức ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất để hợp tác trồng cao su với các hộ gia đình, cá nhân xong trong quý II/2022.
Dự kiến năm 2022, tổng diện tích cao su đưa vào khai thác hơn 3.146ha và đến năm 2023 đưa toàn bộ diện tích trồng cao su vào khai thác mủ. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống. Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân để Công ty hoàn thành công tác ký hợp đồng góp đất và chi trả tiền sản phẩm cho các hộ gia đình, cá nhân theo thỏa thuận. Về phía Công ty cần đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất đối với diện tích đã được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.