'Đàn ông đích thực được phép khóc'
'Suốt phần lớn cuộc đời, tôi luôn chôn giấu cảm xúc của mình, tự nhủ rằng một thằng con trai không được phép khóc', Kozelj nói với New York Times.
Tôi, Josh Kozelj, đã 20 tuổi khi bố mẹ tuyên bố ly dị. Suốt hơn 2 năm tiếp theo, tôi không tỏ ra giận hờn hay oán trách gì họ. Tôi cố gắng hết sức để duy trì vẻ ngoài vui vẻ mỗi khi ở cạnh người thân, bạn bè.
Nhưng thực ra, tôi rơi vào khủng hoảng ngay sau khi biết chuyện bố mẹ chia tay.
Tôi òa khóc trong xe hơi, trên giường ngủ, thậm chí trong lúc mua nhu yếu phẩm ở siêu thị.
Tôi cũng che giấu chuyện này với Tim, cậu bạn thân thiết nhất của tôi, trong suốt nhiều tuần. Thay vào đó, tôi luyên thuyên về những tin tức thể thao mới nhất như thể chưa có gì xảy ra.
Tôi luôn coi sự nhạy cảm là một trong những điểm yếu lớn nhất của bản thân.
Che giấu cảm xúc
Tôi bắt đầu đi trị liệu tâm lý về chứng lo âu và trầm cảm vào năm lớp 11 - hồi còn là học sinh tại trường trung học British Columbia (Canada).
Các buổi trị liệu diễn ra sau giờ học. Tuy nhiên, tôi không dám nói điều đó với 2 cậu bạn thường đi bộ về nhà cùng mình.
Thay vì thẳng thắn chia sẻ về chuyện mình đang trị liệu tâm lý, tôi nói dối rằng có cuộc hẹn khám với nha sĩ để thi thoảng từ chối cùng họ về nhà. Là một người quen sống khép kín, tôi sợ trở thành đối tượng bị chế giễu.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi đi trị liệu tâm lý, tôi vẫn chẳng thể mở lòng với những người bạn đồng trang lứa. Chẳng hạn, tôi vẫn gặp khó khăn khi nói chuyện về cuộc ly hôn của bố mẹ với Tim.
Ngoài ra, thói quen kìm nén cảm xúc từ nhỏ cũng góp phần khiến mối tình đầu của tôi tan vỡ.
Tôi lo lắng khi sống tự lập, đồng thời cảm thấy bất an khi chọn ngành viết văn sáng tạo - một lĩnh vực nghe chừng phi thực tế so với ngành khoa học hoặc toán học mà những cậu bạn của tôi đang theo đuổi.
Thay vì mở lòng trao đổi về những nỗi lo âu thường trực đó, tôi lại xua đuổi bạn gái cũ mỗi khi cô ấy muốn giúp tôi đối phó với chúng. Hành động đó kéo dài cho đến khi chúng tôi chia tay.
4 năm sau cuộc tình ấy, tôi chợt nhận ra tất cả mối quan hệ trên đời đều cần có mức độ nhạy cảm và tổn thương nhất định.
Cuối cùng, tôi cũng quyết định mở lòng với cậu bạn thân Tim về cuộc chia ly của bố mẹ mình. Tôi lấy hết dũng khí để chia sẻ nỗi đau đớn. Lúc đó, cảm giác như thể tôi trút được cả gánh nặng khỏi lồng ngực.
Sau bao năm kìm nén cảm xúc để ra dáng “đàn ông đích thực”, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và được an ủi khi thấy Tim chăm chú lắng nghe, đồng thời thể hiện sự đồng cảm.
Sự việc đã giúp củng cố tình bạn của chúng tôi. Đến giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên trò chuyện.
Bi kịch của đàn ông
Trong một nghiên cứu Anh quốc năm 2020 với hơn 46.000 người tham gia đến từ 237 quốc gia và vùng lãnh thổ, những nam thanh niên sống trong các xã hội đề cao “chủ nghĩa cá nhân” như Mỹ hay Vương quốc Anh sống cô đơn hơn nhóm người già và phụ nữ.
Ngay cả trước đại dịch Covid-19, nỗi cô đơn liên tục đứng đầu trong các cuộc khảo sát về những tác nhân gây căng thẳng với nam giới.
Theo Giáo sư John Ogrodniczuk, giám đốc chương trình tâm lý trị liệu tại Đại học British Columbia, đại dịch thậm chí mang lại thêm cảm giác cô lập cho đàn ông.
Niobe Way, giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học New York, tin rằng từ thưở nhỏ, đa số bé trai được dạy bảo rằng cảm xúc là một điểm yếu.
Trong quá trình lớn lên, họ lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội: đàn ông phải kìm nén và che giấu cảm xúc của mình.
“Đó là một bi kịch”, bà trao đổi với New York Times qua điện thoại.
Giáo sư Way nhấn mạnh rằng các bé trai nhỏ tuổi cũng có sự nhạy bén về cảm xúc, giúp chúng thấu hiểu nỗi buồn của mọi người.
Những cảm xúc đó nên được nuôi dưỡng, đồng thời không để bị ảnh hưởng bởi các định kiến văn hóa và nhận thức sai về tiêu chuẩn “đàn ông đích thực”.
Dù lớn hay nhỏ tuổi, nam giới đều có khả năng thấu hiểu cảm xúc. Hơn nữa, cảm xúc của họ cũng đáng được mọi người coi trọng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-dich-thuc-duoc-phep-khoc-post1199088.html