'Đàn ông ưỡn ngực, phụ nữ cúi đầu - gia đình an vui': Câu dặn dò của người xưa liệu còn giá trị trong xã hội hiện đại?
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã có câu: 'Đàn ông ưỡn ngực, phụ nữ cúi đầu, gia đình an vui, không giàu sang cũng phú quý.' Câu nói dân gian này không chỉ mang hàm ý về phong thái của nam nữ trong gia đình mà còn ẩn chứa quan niệm âm dương, cương nhu trong nền nếp truyền thống.
Trong xã hội xưa, đàn ông là chủ dương, đại diện cho sức mạnh, bản lĩnh và là trụ cột của gia đình. Hình ảnh “ưỡn ngực” tượng trưng cho sự đĩnh đạc, dũng khí và khả năng gánh vác, bảo vệ vợ con. Một người đàn ông khom lưng, khép nép thường bị xem là yếu đuối, thiếu khí phách, dễ bị đời chèn ép.

Ảnh minh họa.
Ngược lại, người phụ nữ – đại diện cho âm – được kỳ vọng mang dáng vẻ dịu dàng, đoan trang. Hình ảnh “cúi đầu” không mang ý nghĩa khuất phục, mà là sự khiêm nhường, mềm mỏng – những phẩm chất truyền thống được đề cao nơi người vợ, người mẹ. Phụ nữ với cử chỉ e lệ, lời nói nhẹ nhàng không chỉ được lòng gia đình nhà chồng mà còn dễ xây dựng một mái ấm thuận hòa.
Triết lý Á Đông luôn nhấn mạnh đến sự cân bằng âm dương trong mọi mặt của cuộc sống, và hôn nhân cũng không ngoại lệ. Khi người đàn ông giữ vai trò cứng cỏi, người phụ nữ giữ sự mềm mại, hai thái cực ấy bù trừ cho nhau, tạo nên một gia đình ổn định, thuận hòa.
Bởi vậy, khi người chồng giữ được bản lĩnh, chính trực, người vợ biết mềm mỏng, dịu dàng, thì không chỉ “xuôi chèo mát mái” trong hôn nhân mà còn dễ gặp may mắn trong sự nghiệp và cuộc sống. Quan điểm này cho rằng đó chính là “phúc khí” của một gia đình, dù không giàu sang cũng đủ đầy, ấm no.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, quan niệm này đang dần được nhìn nhận lại. Phụ nữ ngày nay không còn chỉ quanh quẩn nơi bếp núc mà đã mạnh mẽ, độc lập và khẳng định được vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Họ có thể là doanh nhân, lãnh đạo, thậm chí là trụ cột tài chính trong gia đình.
Dù vậy, giá trị của sự nhu hòa nơi người phụ nữ và khí chất cương trực nơi người đàn ông vẫn chưa bao giờ mất đi ý nghĩa. Một người vợ dù mạnh mẽ ngoài xã hội, nhưng nếu biết giữ gìn sự khéo léo trong ứng xử, vẫn sẽ là điểm tựa tinh thần lớn trong gia đình. Ngược lại, người chồng càng bản lĩnh lại càng cần sự mềm mại từ vợ để cân bằng cảm xúc và hành động.
Câu nói xưa, nếu hiểu đúng, không nhằm ràng buộc vai trò của nam nữ trong khuôn mẫu cứng nhắc, mà nhấn mạnh đến sự hài hòa trong phẩm chất. Đó là sự kết hợp giữa bản lĩnh và bao dung, giữa sức mạnh và nhẹ nhàng, giữa lý trí và cảm xúc. Khi hai con người biết điều hòa những điều đó, mái ấm gia đình sẽ bền vững như bao đời ông cha vẫn hằng nhắc nhở.