Hậu quả kép từ thuốc lá thế hệ mới: Gây nghiện, ngộ độc và dễ gây hiểu lầm về sức khỏe
Thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Với thiết kế bắt mắt, mùi vị hấp dẫn và được 'ngụy trang' dưới những thông điệp tiếp thị như 'ít độc hại hơn' hay 'giúp cai thuốc lá', sản phẩm này khiến không ít người, đặc biệt là thanh thiếu niên, rơi vào trạng thái nghiện mà không nhận ra.

Hậu quả lâu dài của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe cộng đồng là không thể lường trước
Khi "thứ đồ chơi thời thượng" trở thành chất độc
Nguy hiểm hơn, các vụ ngộ độc do thuốc lá điện tử chứa nicotine đậm đặc đã được ghi nhận tại nhiều bệnh viện trong thời gian gần đây. Hậu quả không chỉ là sức khỏe thể chất, mà còn là nhận thức sai lệch về tác hại của thuốc lá khiến công tác phòng, chống trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Trong 3 năm qua, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hàng chục hội thảo/tập huấn tại các tỉnh về phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ y tế
Một buổi chiều đầu tuần, bệnh nhi Nguyễn Gia Bảo (13 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng tím tái, khó thở, co giật nhẹ được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Theo lời kể của gia đình, Bảo đã lén mua thuốc lá điện tử qua mạng, loại có mùi vị trái cây hấp dẫn. Chỉ sau vài hơi hít sâu từ thiết bị nhỏ gọn ấy, em bắt đầu cảm thấy chóng mặt, đau tức ngực và nôn mửa không kiểm soát. Các bác sĩ xác định Bảo bị ngộ độc nicotine cấp và lập tức tiến hành cho thở oxy, truyền dịch, theo dõi sát tình trạng thần kinh và tim mạch.
Tại Bắc Ninh, một nhóm 5 học sinh lớp 9 cùng trường được đưa vào cấp cứu sau khi cùng nhau thử một loại thuốc lá điện tử "xách tay" từ nước ngoài. Trong đó, nữ sinh Lê Minh Châu (14 tuổi) nhập viện trong trạng thái mê man, tim đập loạn nhịp, hai tay co giật. Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phẩm các em sử dụng chứa hàm lượng nicotine đậm đặc vượt xa mức cho phép, có nguy cơ gây ngừng tim nếu tiếp xúc liều cao trong thời gian ngắn.
Những tình huống này không còn là cá biệt. Theo thống kê từ nhiều bệnh viện tuyến trung ương, số ca nhập viện liên quan đến ngộ độc thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 12 đến 18. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng này không được kiểm soát kịp thời, sẽ để lại những hậu quả lâu dài cả về sức khỏe thể chất lẫn chất lượng dân số tương lai.

Khảo sát gần đây cho thấy hơn 40% thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tin rằng sản phẩm này có thể giúp họ từ bỏ thuốc lá truyền thống
TS.BS Trương Hồng Sơn (Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam), cho biết, thuốc lá thế hệ mới dù được quảng cáo "ít độc hại hơn" nhưng vẫn chứa lượng lớn nicotine - chất gây nghiện mạnh. Nhiều sản phẩm còn sử dụng muối nicotine, một dạng nicotine được tinh chỉnh pH thấp, cho phép hấp thu nhanh vào máu.
"Khi vào não chỉ trong vài giây, nicotine kích thích phóng thích mạnh dopamine, tạo ra cảm giác khoái cảm ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Chính tốc độ hấp thu cực nhanh này khiến người dùng, đặc biệt là giới trẻ, rất dễ rơi vào vòng nghiện sinh hóa chỉ sau một thời gian ngắn", bác sĩ Trương Hồng Sơn lý giải.
Theo CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm thuốc lá điện tử không hề loại bỏ nguy cơ nghiện như lời quảng cáo, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiện cao hơn do đặc điểm hấp thụ mạnh và thói quen sử dụng kéo dài trong ngày.
Một thế hệ bệnh tật mới?
Không chỉ gây nghiện nhanh, thuốc lá thế hệ mới còn khiến số ca ngộ độc nicotine ở thanh thiếu niên gia tăng đáng lo ngại. Các biểu hiện lâm sàng có thể bắt đầu bằng buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Trường hợp nặng hơn sẽ xuất hiện hiện tượng hạ huyết áp, run cơ, lú lẫn, co giật, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
"Chỉ một lượng nhỏ nicotine tinh khiết khoảng 30-60mg đối với người lớn hoặc 1-2mg/kg ở trẻ nhỏ cũng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời", bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh. Điều nguy hiểm là rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử trôi nổi không công bố chính xác hàm lượng nicotine, khiến người trẻ dễ dàng sử dụng quá liều mà không hề hay biết.
Một vấn đề khác cũng nguy hiểm không kém là tình trạng tiếp nhận sai lệch thông tin về thuốc lá thế hệ mới. Nhiều thanh thiếu niên tin rằng thuốc lá điện tử là "giải pháp cai nghiện" hoặc "ít gây hại hơn" so với thuốc lá truyền thống. Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, chính sự hiểu lầm này đã khiến giới trẻ xem nhẹ tác hại của nicotine, dễ dàng thử nghiệm, từ đó tăng nguy cơ phụ thuộc lâu dài và phá vỡ những thành quả phòng chống thuốc lá mà xã hội đã nỗ lực xây dựng.
Khảo sát gần đây cho thấy hơn 40% thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tin rằng sản phẩm này có thể giúp họ từ bỏ thuốc lá truyền thống. Trong thực tế, phần lớn sử dụng song song cả hai loại, làm tăng nguy cơ nghiện nặng và kéo dài. "Hệ quả không chỉ là sức khỏe cá nhân bị tổn hại, mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng trong tương lai," bác sĩ cảnh báo.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, hậu quả lâu dài của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe cộng đồng là không thể lường trước. Các chuyên gia dự báo, tỷ lệ nghiện nicotine sẽ gia tăng ở độ tuổi thiếu niên, các bệnh lý phổi mạn tính như viêm phổi, xơ phổi, hội chứng Evali sẽ bùng phát, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng tăng theo, và sự phát triển trí não, hành vi ở tuổi vị thành niên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
WHO đã cảnh báo, nếu xu hướng này tiếp diễn, chỉ trong vòng 10-20 năm tới, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bệnh tật tương tự như đại dịch thuốc lá trong thế kỷ 20.
Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi "cái bẫy nicotine", cần có những hành động mạnh mẽ và đồng bộ. Cần khẳng định rõ ràng rằng thuốc lá điện tử không an toàn và không phải là biện pháp cai nghiện. Thông tin về ngộ độc nicotine, tổn thương phổi, ảnh hưởng não bộ cần được tích cực đưa vào chương trình giáo dục học đường.
Các gia đình và nhà trường cần tăng cường đối thoại thẳng thắn với thanh thiếu niên, giúp các em nhận diện đúng rủi ro. Các chiến dịch truyền thông sử dụng hình ảnh thực tế, nhân vật thật để truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá điện tử cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các trường học cần lắp đặt thiết bị phát hiện thuốc lá điện tử, tổ chức tập huấn cho giáo viên để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.