Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 21, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, không ai dám chắc lợi thế đang nghiêng về bên nào. Bây giờ, sự cạnh tranh không còn mang tính chiến thuật, chiến lược của hai bên nữa, mà giống như sự cạnh tranh về nền tảng sức mạnh quốc gia giống như Thế chiến thứ nhất.
Trong Thế chiến thứ nhất, nước Đức vốn có lợi thế quân sự trên chiến trường, nhưng cuối cùng đã cạn kiệt sức mạnh quốc gia do nguồn lực mỏng. Trong khi phe Liên minh giành thắng lợi cuối cùng nhờ sự hỗ trợ của Mỹ.
Nhìn vào cuộc chiến hiện tại, sức mạnh quốc gia của Nga và Ukraine chênh nhau rất nhiều; tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga và viện trợ quân sự tích cực cho Ukraine, hai bên đã rơi vào thế giằng co. Nga vẫn duy trì được nguồn lực, trong khi Ukraine có dấu hiệu “hụt hơi”.
Theo Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ, sau hơn 21 tháng giao tranh ác liệt, cả Nga và Ukraine đều phải chịu tổn thất nặng nề về quân số và vũ khí trang bị. Hiện nay mặt trận nóng nhất trên chiến trường Ukraine chính là khu vực xung quanh thành phố Avdiivka, ở tỉnh Donetsk.
Hiện Quân đội Ukraine chiến đấu tại Avdeevka (và các mặt trận khác), hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng; hơn nữa, nhiều trang bị pháo binh của quân đội Ukraine đang trong tình trạng hao mòn quá mức.
Đây không phải là việc lan truyền tin đồn. Mới đây, một chỉ huy đơn vị pháo binh của Ukraine sử dụng pháo M109A6 do Mỹ sản xuất, đã trả lời phỏng vấn của tờ báo lớn nhất Tây Ban Nha "El Pais" rằng, pháo M109A6 của đơn vị anh ta đã “cực kỳ hao mòn”.
Trong chiến dịch phản công vào mùa hè năm nay tại Zaporizhia, sai số bắn trúng của pháo đơn vị anh ta là khoảng 7 mét, nay đã lên tới 70 mét. Các mục tiêu trước đây có thể giải quyết bằng một quả đạn pháo, giờ đây có thể phải sử dụng nhiều đạn pháo hơn.
Một số binh lính Ukraine chiến đấu ở Avdeevka cho biết, trước đây nếu đối phó với một đơn vị xung kích của quân Nga với khoảng 10 xe bọc thép, thì họ sẽ sử dụng pháo binh tầm xa tấn công. Nhưng do hiện nay không đủ đạn pháo, nên họ phải trực tiếp sử dụng lực lượng bộ binh để ngăn chặn.
Hơn nữa, với “bước nhảy vọt” trong công nghệ và sản xuất máy bay không người lái của quân đội Nga, “ưu thế trên không” của máy bay không người lái của quân đội Nga đã thể hiện tình thế áp đảo, khi chiến đấu với lực lượng Ukraine đồn trú ở Avadivka.
Thiếu hụt đạn pháo đang là một vấn đề nghiêm trọng với Quân đội Ukraine ở chiến trường hiện nay. Ngay cả khi những đơn vị chiến đấu ở mặt trận Avdeevka yêu cầu pháo binh yểm trợ hàng ngày, nhưng không có đủ đạn.
Chỉ huy pháo binh của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 của Quân đội Ukraine cho biết, trước đó, pháo của đơn vị anh ta có thể bắn 100 đến 150 viên đạn mỗi ngày trong trận Bakhmut hay tại Rabotino. Nhưng bây giờ, chỉ có thể bắn 15 viên một ngày.
Tình trạng thiếu đạn nghiêm trọng này thậm chí đã được NATO thừa nhận. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố, toàn bộ Liên minh châu Âu không thể đáp ứng nhu cầu 1 triệu viên đạn pháo mỗi năm của quân đội Ukraine.
Bây giờ EU chỉ có thể gom được 300.000 viên đạn pháo 155mm, nhưng có thể không kịp đưa ra chiến trường. Giao tranh hiện đại không chỉ cần vũ khí hiện đại, mà công tác bảo đảm hậu cần cũng phải được hiện đại hóa.
Với việc không quân Ukraine “mất hút” từ đầu cuộc chiến, hỏa lực chiến đấu chủ yếu của Quân đội Ukraine là pháo binh; nếu không có đạn pháo, vũ khí lại xuống cấp, không được sửa chữa kịp thời, vậy Quân đội Ukraine sẽ chiến đấu ra sao?
Nhìn bề ngoài, châu Âu dường như có hệ thống công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, nhưng đó chỉ là những loại vũ khí cao cấp. Ở cấp độ của những loại vũ khí thông thường đang có nhu cầu lớn này, thì châu Âu đã “lơ là” trong quá nhiều năm.
Nếu Mỹ không thể hỗ trợ và Pakistan, Hàn Quốc có thể cung cấp đạn pháo, thì quân đội Ukraine có thể đã hết đạn pháo để chiến đấu từ lâu. Tất nhiên, tình trạng đạn pháo của Nga cũng không hề dễ dàng, họ không chỉ dùng vũ khí cũ từ Thế chiến thứ 2, mà còn phải sang các nước châu Á khác để tìm mua đạn pháo.
EU vào đầu năm đã công bố kế hoạch chuyển một triệu quả đạn pháo 155 mm sang Ukraine vào mùa xuân năm 2024; nhưng vừa qua họ thừa nhận rằng thời hạn giao hàng đã bị trễ. Cho đến nay, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng châu Âu chỉ sản xuất được 30% số đạn này, và sẽ không thể nhanh chóng tăng sản lượng đạn pháo được.
Một bài báo trên tờ Defense One của Mỹ cho biết, Quân đội Ukraine tiêu thụ 240.000 viên đạn pháo mỗi tháng, vượt xa sản lượng hàng tháng của Mỹ và châu Âu sản xuất. Do vậy Quân đội Ukraine thường xuyên kêu ca tình trạng thiếu đạn pháo trên chiến trường;
Bản thân vũ khí của châu Âu và Mỹ cũng có vấn đề. Để theo đuổi độ chính xác và chất lượng vũ khí công nghệ cao, vũ khí của châu Âu và Mỹ nhìn chung đắt tiền và có sản lượng thấp; nên số vũ khí có thể hỗ trợ cho Ukraine lại càng hiếm.
Với số lượng vũ khí ít như vậy, quân đội Ukraine lại sử dụng quá điều kiện kỹ thuật cho phép, như một khẩu pháo phải bắn nhiều đạn hơn do yêu cầu thường xuyên của bộ binh và do số lượng pháo ít; pháo bắn ở cự ly xa hơn do lo ngại quân Nga phản pháo… Hậu quả là pháo bị hao mòn nghiêm trọng, độ chính xác giảm.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất quốc phòng của Ukraine không giúp được gì nhiều trong việc bù đắp tình trạng thiếu đạn pháo ở chiến trường. Defense One cho biết, các doanh nghiệp quốc phòng Ukraine đã tăng hơn gấp đôi sản lượng đạn pháo 155 mm trong hơn một năm, nâng sản lượng từ 12.000 lên 28.000 viên mỗi tháng.
Nhưng tác giả bài báo trên Defense One kết luận, nếu xét đến việc tiêu thụ đạn pháo với tốc độ kinh hoàng như vậy, thì số đạn pháo do Ukraine sản xuất giống như “giọt nước trong đại dương”. Do vậy, nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, pháo binh Ukraine sẽ sớm không có đạn để bắn.
Tiến Minh (theo El Pais, Defence One)