Dân quân tự vệ Quảng Bình trong bão lũ
Quảng Bình là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại qua hai trận lũ nối tiếp vào tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, "Nhờ chủ động phương châm “4 tại chỗ”, sự tích cực của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) trong công tác tuyên truyền; di dời người dân từ chỗ thấp lên chỗ cao; chủ động ứng cứu khi có tình huống bất thường... thiệt hại về người và tài sản đã được hạn chế tối đa", Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết.
Chia sẻ về vai trò của lực lượng DQTV tại huyện Quảng Ninh, Thượng tá Nguyễn Duy Đông cho biết, nằm trong vùng trọng điểm lũ lụt với hệ thống sông suối, kênh mương, ao hồ nhiều, đường lại thấp, dễ bị chia cắt khi có lũ lớn, trước mùa mưa bão hàng năm, Ban CHQS huyện Quảng Ninh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng phương án, cơ sở vật chất, phương tiện để ứng phó. Cơ quan quân sự huyện và các xã đã phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng DQTV. Tại nhiều xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh, lực lượng DQTV là những thành viên tích cực nhất trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự thích ứng và tự bảo vệ của người dân khi đối phó với thiên tai. Trước khi lũ về, DQTV giúp đỡ nhân dân di dời từ chỗ thấp lên những nơi cao; trong mưa lũ tích cực tham gia công tác cứu nạn, phát cơm, hàng cứu trợ. Đặc biệt, ở các vùng trọng điểm lụt nặng, lực lượng DQTV đã có nhiều cách làm sáng tạo, ứng phó rất hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế thiệt hại, theo anh Nguyễn Văn Phương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh: Xã là một trong những trọng điểm ngập lụt, mực nước ngập sâu từ 1,5 đến 3m. Tuy nhiên, trước khi các cơn lũ tràn về, do làm tốt công tác di dời nhân dân; đồng thời chủ động các phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm; làm tốt công tác cảnh báo lũ nên lực lượng DQTV xã vì thế không phải đi cứu nạn người dân nào. Để bảo đảm an toàn cho hơn 1.400 khẩu trong xã, điều quan trọng là phải tích cực làm tốt khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ bao nhiêu, thiệt hại càng ít bấy nhiêu. Muốn làm tốt việc ấy, lực lượng DQTV phải huấn luyện kỹ để họ có kiến thức; có kiến thức mới làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu mà tự giác chấp hành.
Kể lại sự khủng khiếp của hai cơn lũ vừa đi qua, anh Nguyễn Mậu Tuân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Duy Ninh nhớ lại, tại thời điểm nước lũ dâng cao và đạt đỉnh vào ngày 19-10, nước chảy rất xiết, gió to tạo sóng lớn, vô cùng nguy hiểm. Đêm 19-10, anh cùng một số DQTV trong xã nhận điện đi cứu hai cụ già 90 tuổi, trong đó có một cụ tàn tật, khi nước đã ngập qua cửa, sát nóc nhà, mái nhà kiên cố không phá được. Thế là anh Tuân và nhóm cứu hộ quyết định ôm từng cụ lặn xuống để đưa qua cửa rồi bế hai cụ lên xuồng. Ngày hôm sau, anh Tuân và tổ cứu hộ trong khi tuần tra cứu thêm một người dân không biết bơi, bị nước cuốn ra giữa đồng.
Những cơn lũ dữ đã đi qua, bài học rút ra ở huyện Quảng Ninh là luôn chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" bằng cách chủ động huấn luyện các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn; tin tưởng, giao nhiệm vụ cho lực lượng DQTV ở địa phương. "Để có được các kỹ năng cứu hộ, hàng năm, trước mùa mưa bão, Ban CHQS huyện Quảng Ninh đều tổ chức tập huấn lái xuồng; truyền đạt kỹ năng cứu hộ, cứu nạn; giáo dục kỹ năng tuyên truyền cho lực lượng DQTV", Thượng tá Nguyễn Ngọc Nhân, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm.