Đàn sư tử bị giết hại tàn ác để làm ma thuật ở Nam Phi
Sau khi xâm nhập vào khu vực cấm săn bắn của một khu bảo tồn ở Nam Phi, những tay lâm tặc đã giết hại tàn ác toàn bộ đàn sư tử để lấy xác làm thuốc ma thuật.
Ông Bradden Stevens, 33 tuổi, đội trưởng kiểm lâm tại khu bảo tồn thiên nhiên Rietvlei Nature Reserve thuộc TP Pretoria – Nam Phi đã phát hiện ra sự việc tàn nhẫn và ghê rợn này hôm 24-10. Ông Stevens là người đã dành một phần ba cuộc đời để chăm sóc sư tử.
"Các con sư tử Jarvis, Bashi, Tawana và Tau đã bị giết chết một cách cách độc ác trong một cuộc sát hại để làm thuốc ma thuật (muti). Đây là những ngày tối tăm nhất mà tôi phải trải qua", theo bài đăng của ông Stevens trên mạng xã hội Facebook.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, các con sư tử đã bị lâm tặc đầu độc. Những động vật này không thể chịu nổi cái chết đau đớn, móng vuốt và hàm của chúng bị cắt ra để làm ma thuật. Trong đó, 2 con sư tử cái trong đàn có tên là River và Serabi đã bị đầu độc vào năm 2017, những tay lâm tặc trong vụ việc đã bị phát hiện trước khi chúng cắt xẻ xác chết động vật.
Băng đảng có trang bị vũ khí và có vẻ đã hiểu rõ về khu vực cấm săn bắn và hoạt động an ninh. Chúng vượt qua nhân viên kiểm lâm và có đủ thời gian để chuốc độc sư tử bằng thịt ôi trong khu vực rộng 250 héc ta tại trung tâm khu bảo tồn. Sau đó, chúng giết mổ sư tử ngay tại chỗ rồi trốn thoát thành công.
Khu bảo tồn thiên nhiên Rietvlei Nature Reserve cũng là nơi cư ngụ của tê giác, báo, trâu và một đàn sư tử. Vụ việc hiện đang làm gia tăng mối lo ngại về an toàn của các động vật sinh sống tại đây.
"Tội ác kinh khủng này sẽ không thể không bị trừng phạt" – Cảnh sát Quốc gia Nam Phi cho biết.
Thuốc dân gian Châu Phi (Muti) là một loại thuốc ma thuật được cho là tạo ra bởi những người chữa bệnh với nhiều câu thần chú, có nội dung từ sự bảo vệ cho đến tính kiên cường để chữa trị bệnh tật và yểm bùa sức mạnh.
Sau khi vụ sát hại xảy ra, an ninh trong khu bảo tồn đang được tăng cường, lực lượng cảnh sát tuần tra đang tiến hành tìm kiếm thủ phạm trong lúc chúng cố buôn lậu bộ phận cơ thể động vật bên ngoài khu bảo tồn.