Dán tờ rơi, vẽ bậy là vi phạm pháp luật

Tình trạng dán tờ rơi, quảng cáo và vẽ bậy trái phép tại Hà Nội diễn ra ở mức độ phổ biến rộng khắp, từ những ngõ nhỏ đến các tuyến phố lớn. Người dân dường như đã quen thuộc với hình ảnh cột điện, tủ điện, trạm biến áp bị dán chằng chịt các loại quảng cáo, rao vặt.

Các loại quảng cáo, rao vặt chằng chịt trên trụ điện, cột điện, các bức tường trên phố Ngụy Như Kom Tum. Ảnh: Duy Linh

Các loại quảng cáo, rao vặt chằng chịt trên trụ điện, cột điện, các bức tường trên phố Ngụy Như Kom Tum. Ảnh: Duy Linh

Những vết bẩn làm xấu đi diện mạo đô thị

Dạo một vòng quanh các tuyến phố Hà Nội, từ những con phố sầm uất như Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng cho đến các khu dân cư ở Khương Đình, Văn Quán, Lĩnh Nam, không khó để bắt gặp những cột điện bị bôi bẩn bởi vô số tờ rơi quảng cáo cho vay tiêu dùng, hút bể phốt, bán đất nền, làm chìa khóa hay sửa chữa điện nước. Những tờ giấy nhỏ bé nhưng đầy tính chất “gây ô nhiễm thị giác” này được dán lên khắp nơi: tủ điện, trạm biến áp, trụ đèn chiếu sáng, thậm chí lên cả bức tường nhà dân. Chúng chồng lớp lên nhau, bong tróc, loang lổ, để lại những vết bẩn lem nhem khiến bức tranh đô thị vốn đã chật chội, ngột ngạt lại càng thêm nhếch nhác.

Đáng nói là, ngay cả những khu vực từng được vẽ tranh tường với mục đích làm đẹp phố phường như phố Phùng Hưng hay các trạm biến áp được khoác lên lớp áo mới đầy màu sắc cũng không thoát khỏi cảnh bị dán tờ rơi chồng lên, xé rách, làm mất đi giá trị thẩm mỹ ban đầu. Một số khu phố tại quận Hoàn Kiếm cũ, Hai Bà Trưng cũ đã từng phát động phong trào bóc tờ rơi, dọn vệ sinh trụ điện, song sau vài tuần, đâu lại vào đấy. Những tờ quảng cáo mới lại xuất hiện, thậm chí còn nhiều hơn trước.

Bên cạnh dán tờ rơi, tình trạng vẽ bậy lên tường, lên cửa cuốn, đặc biệt là trên các trụ điện cũng khiến không ít người dân bức xúc. Các hình vẽ graffiti xuất hiện ngổn ngang, từ những nét ký hiệu vô nghĩa cho đến các dòng chữ nguệch ngoạc bằng sơn xịt. Ở nhiều con phố như Yên Phụ, Âu Cơ, Nghi Tàm hay khu vực đường Bưởi… chỉ cần đi một đoạn là thấy những hình vẽ chi chít trên tường nhà dân, các cửa hàng đóng cửa hoặc thậm chí trên các nhà chờ xe buýt, trụ điện…

Những hình vẽ graffiti này chủ yếu là hành động tự phát, phản cảm và thiếu ý thức. Người dân địa phương nhiều lần tự bỏ tiền mua sơn để xóa bỏ nhưng rồi lại tái diễn. Vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại khiến không ít hộ dân bất lực, buông xuôi.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này trở nên khó kiểm soát là vì các đối tượng thực hiện thường hoạt động vào ban đêm hoặc rạng sáng, khi lực lượng chức năng khó có mặt để xử lý kịp thời. Những người dán tờ rơi thường làm việc theo nhóm nhỏ, di chuyển nhanh, dán xong rồi rời đi ngay. Một số người còn thuê cả người lao động nghèo hoặc sinh viên làm thêm để dán quảng cáo với giá rẻ, khiến việc truy ra nguồn gốc gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, người vẽ graffiti thường hành động theo kiểu “ăn cắp khoảnh khắc”, tranh thủ những lúc vắng người để phun sơn, ký hiệu hoặc vẽ bậy lên các bức tường.

Cần chế tài đủ mạnh và giải pháp đồng bộ

Về mặt pháp luật, hiện đã có đầy đủ các quy định để xử phạt hành vi dán tờ rơi, vẽ bậy lên tường và trụ điện. Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.., người thực hiện hành vi viết, vẽ, phun, dán, treo các sản phẩm quảng cáo không đúng nơi quy định có thể bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 đến 4 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với chỗ đã vẽ, phun sơn, viết, dán, gắn hình ảnh, nội dung.

Trên thực tế, việc xử lý những hành vi này theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo vẫn rất hạn chế. Các lực lượng chức năng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nhưng việc bắt quả tang người vi phạm gần như là bất khả thi. Không ít trường hợp dù có camera ghi lại hình ảnh, nhưng để xác định danh tính người vi phạm là chuyện không đơn giản. Thậm chí, ngay cả khi phát hiện ra số điện thoại in trên tờ rơi, cơ quan chức năng cũng khó có cơ sở pháp lý để xử phạt DN hay cá nhân đó, bởi họ có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, cho rằng mình không thuê người đi dán, hoặc thuê nhưng không biết người đi dán lại làm sai quy định.

Hà Nội từng triển khai nhiều biện pháp như tổ chức các đợt ra quân bóc gỡ tờ rơi, vẽ tranh tường, quấn cỏ nhựa lên trụ điện để ngăn dán quảng cáo. Một số quận (cũ) như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân đã có những mô hình vận động người dân cùng chung tay dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh khu phố.

Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ mang tính phong trào, thiếu sự bền vững. Sau mỗi đợt ra quân, lực lượng chức năng rút đi, thì tình trạng cũ lại tái diễn. Việc thiếu các biện pháp quản lý mang tính công nghệ như lắp camera giám sát, phạt nguội qua hình ảnh hay truy nguồn số điện thoại qua nhà mạng để xử lý vẫn là một khoảng trống lớn.

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, để giải quyết triệt để vấn nạn dán tờ rơi, vẽ bậy lên tường, trụ điện ở Hà Nội, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng dân cư. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân, đặc biệt là giới trẻ về việc giữ gìn cảnh quan đô thị.

Đồng thời, chính quyền cần áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý đô thị, như lắp camera tại các điểm nóng, kết nối dữ liệu với hệ thống phạt nguội. Việc truy xuất số điện thoại trên tờ rơi cần phối hợp với nhà mạng, xử lý cả người thuê quảng cáo lẫn đơn vị thực hiện, không để hành vi này tiếp tục diễn ra dưới dạng “vô chủ”.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng quy định xử phạt đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng. Nếu hành vi này gây hư hỏng tài sản công, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", người vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến phạt tù 10 năm tùy mức độ vi phạm.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dan-to-roi-ve-bay-la-vi-pham-phap-luat-425671.html