Dân trồng phật thủ Đắc Sở rục rịch phục vụ khách hàng dịp Tết 2025
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, người dân làng trồng phật thủ Đắc Sở (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lại rục rịch phục vụ khách đến mua phật thủ về cúng gia tiên dịp Tết cổ truyền năm nay.
Cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người nông dân tại các làng nghề trồng cây cảnh nổi tiếng tại Hà Nội như Tứ Liên, Nhật Tân, Mê Linh, Đắc Sở... lại tất bật chăm sóc, tỉa tót và phục vụ khách tới mua hàng về chơi dịp Tết cổ truyền năm nay.
Tại làng phật thủ Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chiều 13/1, nhiều nhà vườn tại đây đang tất bật chăm sóc cây, đón khách đến mua hàng trước dịp Tết 2025.
Phóng viên đã ghi nhận tại vườn trồng phật thủ của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (34 tuổi, chủ nhà vườn Thanh Thủy, diện tích 5 mẫu với hơn 1.000 đầu cây). Chị Thủy cho biết: "Do địa chất khu vực này khá cao nên đợt bão Yagi vừa qua nhà vườn chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều, cơ bản giữ được hầu hết các đầu cây nhưng do gió bão lớn nên các quả phật thủ lứa đầu bị rơi rụng nhiều, hiện chỉ còn có các hàng sau với tỷ lệ đầu quả tương đối thưa".
"Trước dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhà vườn chúng tôi hầu như vẫn cung cấp cho các khách sỉ quanh thành phố Hà Nội và gửi đi các tỉnh/ thành trên cả nước, nên là hầu hết các đầu quả đều có nhiều khách đặt. Còn khách lẻ thì quanh năm nhà vườn đều có lượng khách ổn định, và chúng tôi vẫn đón khách lẻ, khách sỉ quanh năm", chị Thủy nói thêm.
Về giá thành của phật thủ, chị Thủy cho biết tùy vào kích thước, mẫu mã to, nhỏ mà giá thành từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng cũng có. Đặc biệt, tại nhà vườn Thanh Thủy còn có loại phật thủ mini với giá từ 20 nghìn, 30 nghìn có sẵn hàng để phục vụ khách.
"Gần như năm nào nhà vườn chúng tôi đều bán hết lượng phật thủ có tại vườn, trừ có khách đặt lại để ra Giêng đi lễ hoặc đặt lấy hàng để ra Giêng bán thì chúng tôi sẽ bớt lại", chị Thủy cho biết.
Thực tế, dù bị ảnh hưởng do bão số 3 nhưng giá phật thủ chất lượng (kích thước lớn) vẫn tăng từ 20% đến 30% so với mọi năm, còn các loại kích thước chung, loại nhỏ vẫn giữ nguyên giá như những năm trước.
Nói về tình hình giá phật thủ trước rằm tháng Chạp (tháng 12), chị Thủy cho biết cũng giống như Rằm năm ngoái thì năm nay vẫn giữ nguyên giá ban đầu. "Khách hàng tìm đến mua phật thủ dịp cận Tết ngày một nhiều, có nhiều khách đặt hàng từ sau đợt bão số 3 để dùng cho Rằm tháng Chạp và dịp Tết cổ truyền. Hiện từ giờ đến Tết tôi mong thời tiết đẹp để buôn may bán đắt, gia đình có thêm kinh tế trang trải cuộc sống", chị Thủy tâm sự.
Không giống loại cây khác, phật thủ là loài khó trồng, chăm sóc phải rất cẩn thận thì cây mới phát triển và cho quả đều. Trung bình một cây phật thủ sẽ có tuổi thọ khoảng 4-6 năm tùy vào điều kiện thời tiết. Bởi vậy, mỗi nhà vườn sẽ phải có biện pháp dự phòng cây con để có đủ lượng quả kịp phục vụ cho các dip lễ, Tết hàng năm.
Do đó, để có được quả phật thủ như hôm nay cung ứng ra thị trường thì chắc hẳn mỗi người nông dân đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc. Hy vọng rằng, dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ là một năm bội thu đối với những người nông dân làng trồng phật thủ Đắc Sở nói riêng và những người nông dân ở các tỉnh/ thành khác nói chung.