Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa tất bật mùa Tết
Những ngày cuối năm, làng nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long tất bật để kịp cung ứng các mẻ tàu hũ ky thơm ngon phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường Tết.
Những ngày cuối năm, không khí Tết tràn ngập khắp nơi, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, lại tất bật hơn bao giờ hết. Khắp các con đường nhỏ, mùi thơm của đậu nành hòa quyện cùng làn khói bốc lên từ những lò nấu đỏ lửa, tạo nên một bức tranh sống động và ấm áp của làng nghề trăm tuổi.
"Hồn nghề" trong lớp váng đậu vàng óng
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được hình thành từ gần một thế kỷ trước, khi những người Hoa đến định cư và mang theo kỹ thuật làm tàu hũ ky. Trải qua bao thăng trầm, nghề này vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nguồn sinh kế chính của hơn 50 hộ dân nơi đây.
Bước vào cơ sở sản xuất của ông Bảy, không khí lao động nơi đây rất nhộn nhịp. Những chiếc chảo lớn đặt trên các bếp lò, bốc hơi nghi ngút. Nước cốt đậu nành sau khi được lọc kỹ được nấu trên lửa đều, chờ đợi lớp váng vàng óng nổi lên. Người thợ khéo léo vớt từng lớp tàu hũ, treo lên giàn phơi trong không gian nóng bức của những lò lửa.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Giang, một người thợ lành nghề chia sẻ: “Làm nghề này quan trọng nhất là cảm nhận độ nóng và sự tỉ mỉ trong từng động tác. Từ lúc còn đốt lò bằng rơm đến nay đã cải tiến sang lò than và lò hơi, nhưng nghề này vẫn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và cái tâm của người làm.”
Cao điểm mùa Tết – niềm vui xen lẫn vất vả
Nếu những ngày thường, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 100 kg tàu hũ ky thì vào dịp Tết, sản lượng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các lá tàu hũ ky được chế biến thành nhiều loại: lá nguyên, sợi, hoặc đóng gói sẵn, phục vụ đủ các món ăn truyền thống ngày Tết như chả chay, món cuốn hay xào nấu.
Anh Nguyễn Thanh Vàng, một người thợ làm tàu hũ ky lâu năm, vừa nhanh tay vớt lớp váng đậu vừa kể: “Những ngày giáp Tết, hầu như thợ nào cũng làm xuyên đêm. Mỗi ca kéo dài từ 18-24 giờ, người thợ vừa phải chịu cái nóng từ bếp lò, vừa cần tập trung cao độ để sản phẩm đạt chất lượng.
Mệt thì mệt, nhưng Tết là mùa thu nhập cao nhất trong năm, ai cũng cố gắng làm để có cái Tết đầy đủ hơn. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi nuôi được hai con ăn học, giờ các cháu đã trưởng thành và có công việc ổn định. Nghề tuy vất vả nhưng cũng đủ để gia đình sống thoải mái.”
Tương tự, bà Bích Thủy, người đã gắn bó với nghề từ khi mới 12 tuổi, tâm sự: “Làm nghề này phải thức đêm và làm suốt ngày, nhưng cái được là thu nhập cao hơn làm công nhân. Bình thường, tôi chỉ làm khoảng 15-20 ngày mỗi tháng, nhưng vào mùa Tết hay các ngày rằm lớn, chúng tôi làm cả tháng, thu nhập nhiều hơn. Nhờ nghề này mà tôi nuôi cả gia đình, giờ con gái tôi là Mỹ Lộc cũng theo nghề và đã trở thành thợ chính.
Không chỉ là một nghề mưu sinh, chế biến tàu hũ ky còn mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống. Năm 2022, nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trở thành niềm tự hào lớn lao của người dân nơi đây.
Sự phát triển của thị trường cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho làng nghề. Những sản phẩm tàu hũ ky Mỹ Hòa giờ không chỉ có mặt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn vươn xa khắp cả nước.
Một số cơ sở đã đầu tư vào công nghệ, cải tiến bao bì để tăng giá trị cạnh tranh, nhưng vẫn giữ lại những công đoạn thủ công như một cách gìn giữ linh hồn của nghề. Những sản phẩm từ làng nghề giờ đây không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch tìm hiểu, trải nghiệm.
Tàu hũ ky Mỹ Hòa không chỉ mang đến hương vị đặc trưng cho mâm cơm Tết mà còn là minh chứng sống động cho sự cần cù, khéo léo và tình yêu nghề của người dân nơi đây.
Một mùa Tết lại đến, làng nghề vẫn "đỏ lửa", không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm gìn giữ một di sản quý giá, để cái hồn của làng nghề trăm năm mãi sống cùng thời gian.
Nguồn gốc từ nghề gia truyền của người Hoa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa có nguồn gốc từ nghề gia truyền của người Hoa vào đầu thế kỷ XX. Vào năm 1912, ông Châu Xường cùng vợ và hai người con khởi đầu nghề làm tàu hũ ky. Dần dần, nghề này được lan rộng khi người dân trong xóm cùng tham gia, và sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp các vùng lân cận.
Từ đó, xã Mỹ Hòa hình thành làng nghề truyền thống chuyên sản xuất tàu hũ ky. Hiện nay, làng nghề có hơn 59 hộ sản xuất, trong đó 29 hộ là thành viên của Hợp tác xã sản xuất.
Nghề làm tàu hũ ky không chỉ mang giá trị lịch sử và văn hóa mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương, đồng thời làm phong phú thêm nghệ thuật ẩm thực vùng miền. Sản phẩm tàu hũ ky từ làng nghề này đã được phân phối rộng rãi, trở nên quen thuộc và được nhiều người yêu thích.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lang-nghe-tau-hu-ky-my-hoa-tat-bat-mua-tet-post829902.html