Dân vận để thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm 'Dân vận', theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Đồng thời, quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là ngày 'Dân vận' của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Đồng thời, quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Văn kiện Đại hội xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Thực hiện đường lối đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.
Nổi bật trong công tác dân vận là phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiều công trình, phần việc vì nhân dân. Trong năm 2022 đã vận động xây dựng 9 cây cầu và 1 lộ giao thông nông thôn; vận động nhân dân hiến 22.500m2 đất để xây dựng trường học, làm đường lộ; đóng góp 6.102 ngày công lao động để nạo vét kênh thủy lợi, trồng cây xanh, xây dựng nhà ở, chỉnh trang đô thị với số tiền trên 28 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, hệ thống dân vận, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp với khối lực lượng vũ trang tổ chức thành công các hoạt động Tết Quân - Dân năm 2023 tại xã Song Phụng, huyện Long Phú; xã Liêu Tú, huyện Trần Đề; xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Qua đó, tặng 73 căn nhà và 2.123 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tặng 430 suất học bổng và 390 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 200 bóng đèn và kéo điện thắp sáng đường quê chiều dài 7.630m, với tổng kinh phí hoạt động trên 23 tỷ đồng từ nguồn vốn của địa phương và xã hội hóa.
Bên cạnh đó, công tác dân vận trong các tổ chức tôn giáo cũng được ban dân vận các cấp tập trung thực hiện. Qua đó, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, trụ trì chùa trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với tín đồ, phật tử. Tạo điều kiện duy trì các lễ hội nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của bà con địa phương. Từ năm 2022 đến nay đã xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo như: mô hình 4 không (không xảy ra trộm cắp; không xảy ra cháy nổ; không tệ nạn xã hội; không bị lợi dụng, lôi kéo); mô hình 5 không, 3 có (không bạo lực, hành hung trong trường học; không tham gia các tệ nạn xã hội; không để cháy nổ xảy ra; không để ô nhiễm môi trường; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo; có văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông; có ý thức tự phòng tự quản nơi học tập, công tác và cư trú; có ý thức trong phòng, chống dịch); mô hình “Camera an ninh”; mô hình “Tự phòng tự quản trong các cơ sở thờ tự”; mô hình “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm”...
Việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác dân vận đã tạo nền tảng để phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.