'Dân vận khéo' trên địa bàn biên giới, biển, đảo bằng làn điệu dân ca

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'. Tại Hội thi 'Dân vận khéo' cấp toàn quân năm 2025 khu vực phía Nam, những người lính quân hàm xanh đã truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân nơi biên giới, hải đảo thông qua làn điệu dân ca 3 miền.

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng (thứ 9, từ trái sang) tặng Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia dự thi. Ảnh: Văn Chương

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng (thứ 9, từ trái sang) tặng Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia dự thi. Ảnh: Văn Chương

“Gió từ cửa biển gió lên (ba lý tang tình mà nghe, ta hò, ba lý tình tang ba lý tình tang)/Nắng từ duyên hải nắng xiên mũi tàu (ba lý tang tình mà nghe, ta hò, ba lý tình tang ba lý tình tang)/Bà con đoàn kết bên nhau/Giữ gìn biển đảo trước sau vẹn toàn...”. Đó là đoạn mở đầu của tiểu phẩm “Vì những con tàu xa khơi” nói về hoạt động tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại cửa biển Mân Quang của BĐBP thành phố Đà Nẵng. Tiểu phẩm “Vì những con tàu xa khơi” của những người lính quân hàm xanh bắt đầu bằng điệu hò Khu 5.

Hội thi “Dân vận khéo” cấp toàn quân năm 2025 khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 3 đến ngày 4/4 với 16 đội, 320 thành viên, tổ chức tại Nhà Văn hóa Quân khu 5, thành phố Đà Nẵng. Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, đây là dịp để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về công tác dân vận, từ đó triển khai tại đơn vị và địa bàn của mình đạt kết quả tốt.

Làn điệu dân ca Khu 5 rất phong phú, có thể kể đến các thể loại tiêu biểu như: Hô hát bài chòi, hát lý, các điệu hò, điệu lía... Trong mỗi thể loại gồm các lối hát khác nhau; chẳng hạn, riêng hô hát bài chòi có đến 5 kiểu là: Hò Quảng, vè Quảng, Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê; các điệu lý bao gồm: Lý ngựa ô, Lý năm canh, Lý thượng, Lý tang tích, Lý thương nhau, Lý chiêu quân, Lý đi chợ... Khi cất lên những lời hò đó, các văn nghệ sĩ quân hàm xanh luôn lắng đọng thật sâu tình yêu quê hương, đất nước để lời hát có hồn, đi vào lòng người.

Nhân vật trong tiểu phẩm này là Thượng úy Lâm, Đại úy Hải - cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP thành phố Đà Nẵng; nhân vật chú Hai, chú Năm - ngư dân. Chú Năm tỏ lời thắc mắc: “Tui hỏi mấy chú, tụi tui không quản ngại sóng to gió lớn, vươn khơi bám biển theo chủ trương của Nhà nước. Chừ xin cái giấy để nhận tiền hỗ trợ mà mấy chú gây khó dễ. Mấy chú để cho dân chúng tôi sống với chớ”.

Cán bộ Biên phòng nêu rõ lý do với chú Năm: “Theo thông báo của Chi cục Nguồn lợi thủy sản thành phố thì chú Hai có đến xin xác nhận để làm thủ tục nhận tiền hỗ theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng kiểm tra nhật ký hành trình thì thấy từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 6, tàu cá của chú Hai không liên lạc với Trung tâm Giám sát tàu cá của thành phố Đà Nẵng”.

Làn điệu hò, vè của những người lính quân hàm xanh thấp thoáng những câu hò trong bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” của tác giả Nguyễn Văn Bổn. Đây là tuyển tập hò, vè đã được giới văn nghệ sĩ chuyển thành kịch bản tuyên truyền trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bằng làn điệu Khu 5, mở đầu là các bài vè nói về nỗi cơ cực thời ông bà còn đi ghe buồm, vừa đi biển, vừa lo sợ bị tàu Tây tới bắt: “Tai nghe tiếng sóng rì rì/Đề phòng tàu thủy có khi cũng nhằm... Tai nghe Nam (gió Nam) xuống ào ào/Ông lăn buồm bắt tội, làm sao tới bờ?/Phần thời lại nhịn đói, xụi lơ/Trăng không cho thấy đụn, trăng mờ, mù đen...”.

Những bài hò, vè này khá nổi tiếng ở Quảng Nam, Đà Nẵng suốt 80 năm qua. Quảng Nam, Đà Nẵng từng là thủ phủ nghề biển ở khu vực miền Trung, vì vậy, những bài hò, vè này cũng như hoạt cảnh tuyên truyền chống khai thác IUU của BĐBP rất dễ đi vào lòng người. Ông Trần Đình Chơi, từng là ngư dân ở thành phố Đà Nẵng chia sẻ, các bài hò, vè hát về nghề biển và lồng ghép chủ trương, chính sách rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền miệng; từ đó, bà con chấp hành tốt các quy định, không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Tiểu phẩm thứ 2 được BĐBP tham gia biểu diễn lần này có tên “Những người thắp lửa biên cương”, nói về xây dựng thế trận Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền. Hoạt cảnh đầu tiên là đồng bào đón một mùa Xuân mới, BĐBP tuần tra cột mốc, BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động kết nạp Đảng cho thanh niên là người dân tộc thiểu số. Tiểu phẩm được nối nhịp từ ca khúc “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”.

Tiểu phẩm được giới thiệu thông qua dẫn lời của MC chương trình: “Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Bộ Tư lệnh BĐBP đều tổ chức Chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", với mong muốn không để hộ dân biên giới nào không có Tết. Chương trình đã trở thành sự kiện chính trị mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”.

Tiểu phẩm về công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân của đội thi thuộc Quân khu 9. Ảnh: Văn Chương

Tiểu phẩm về công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân của đội thi thuộc Quân khu 9. Ảnh: Văn Chương

Đi cùng các tiểu phẩm là phần giới thiệu về các mô hình điểm của BĐBP thông qua phần dẫn chương trình của MC và các hình ảnh phụ họa được trình chiếu, MC giới thiệu: “Với tinh thần giúp dân như giúp người thân của mình, BĐBP triển khai nhiều mô hình như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Vì những con tàu xa khơi", "Biên cương đêm hội trăng rằm”... đã tạo lập giá trị bền vững, giúp hàng vạn hộ dân có cuộc sống ấm no, diện mạo các bản làng có nhiều khởi sắc”.

Cùng với lời giới thiệu của MC là trình chiếu hình ảnh những người chiến sĩ Biên phòng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên... luôn "ba bám, bốn cùng" với bà con nhân dân, có lúc các anh như người nông dân trên ruộng đồng, có lúc quần áo lấm lem bùn lầy để tham gia cày cấy cho đồng bào người Rục, người lính quân hàm xanh đưa các cháu đến trường học, kèm cặp cho các cháu tại đồn Biên phòng.

Dung lượng một vở kịch không đủ để phản ánh tất cả những hình ảnh tốt đẹp nhất về người lính Biên phòng ở khắp các vùng biên cương đất nước, nhưng khi xem xong, mọi người vẫn cảm động và nghe trong lòng mình tình cảm về người chiến sĩ Biên phòng luôn ngày đêm sát cánh cùng đồng bào nơi biên giới, cùng bà con ngư dân trên địa bàn tuyến biển, tất cả vì chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotdan-van-kheoquot-tren-dia-ban-bien-gioi-bien-dao-bang-lan-dieu-dan-ca-post488463.html