Giữ gìn tiếng hát, điệu múa dân gian của đồng bào Khmer

Những năm qua, việc thực hiện Dự án 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, chung tay gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

CLB múa rom vong xã An Thạnh Nam biểu diễn phục vụ người dân và du khách vào dịp lễ Kathina (dâng y cà sa). Ảnh: Phan Bình

CLB múa rom vong xã An Thạnh Nam biểu diễn phục vụ người dân và du khách vào dịp lễ Kathina (dâng y cà sa). Ảnh: Phan Bình

Nhằm tạo điều kiện để đồng bào DTTS Khmer được thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) múa rom vong Khmer (múa lâm thôn) chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt), xã Phú Tân. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, CLB không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ yêu thích của đồng bào Khmer, mà còn là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

Hiện tại, CLB múa rom vong Khmer chùa Bốn Mặt chủ yếu biểu diễn phục vụ đồng bào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta hoặc phục vụ gia đình người dân khi họ có nhu cầu. Các thành viên múa hát những bài hát Khmer hoặc trình diễn những điệu múa truyền thống... Đến đâu, CLB cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con phum sóc. Những tình cảm đó giúp các thành viên trong CLB có thêm niềm tin để gắn bó với những điệu múa, bài hát, giai điệu truyền thống. Có dịp thưởng thức tiết mục múa do các thành viên CLB biểu diễn, chúng tôi bị cuốn hút bởi điệu múa uyển chuyển hòa quyện trong tiếng nhạc tạo không khí vui tươi, hấp dẫn.

Bà Sơn Thị Diệu, Chủ nhiệm CLB múa rom vong Khmer chùa Bốn Mặt vui vẻ nói: “Đa phần các thành viên CLB đều sinh sau năm 2000 nên chúng tôi rất yên tâm về lực lượng biểu diễn của mình. Một số em còn được các đài truyền hình trong khu vực mời biểu diễn như kênh VTV5 (Cần Thơ) và Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng. Với vai trò là Chủ nhiệm, tôi mong muốn mang đến những tiết mục nghệ thuật để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Khmer".

“Mới đây, đầu tháng 3/2025, trong Tuần lễ hoa kèn hồng lần thứ nhất tại huyện Châu Thành năm 2025, CLB múa rom vong Khmer chùa Bốn Mặt có một gian hàng phục vụ người dân và du khách, gồm các loại trang phục dự lễ hội, cưới hỏi, trang phục dân gian... với màu sắc cuốn hút dành cho mọi lứa tuổi, để du khách trải nghiệm và chụp ảnh” - bà Diệu chia sẻ.

Là người Khmer yêu văn nghệ truyền thống, chị Sơn Thị Bích Ngân, một thành viên CLB nói: “Tất cả thành viên CLB đều rất vui và phấn khởi, vinh dự và tự hào khi được tham gia tập luyện, biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Khmer, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi lần biểu diễn, chúng em được đông đảo khán giả ủng hộ, thực sự rất hạnh phúc. Việc duy trì tham gia sinh hoạt CLB tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các thành viên giao lưu, giải trí, trau dồi kỹ năng hát, múa, từ đó thêm yêu và có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, năm 2023, CLB múa rom vong của hội viên, phụ nữ Khmer xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) được thành lập với 25 thành viên. Nhờ tính hấp dẫn, thu hút mạnh sự quan tâm của cộng đồng nên đến nay, CLB đã có 28 thành viên tham gia.

Bà Lâm Thanh Hoa, Chủ nhiệm CLB múa rom vong xã An Thạnh Nam hào hứng chia sẻ: Các thành viên của CLB đã được những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên múa (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng) có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa truyền thống Khmer dạy rất bài bản. “Hiện nay, chúng tôi đã thành thục, có thể tự tin trình diễn trước đám đông. Thời gian qua, có nhiều nơi mời chúng tôi đi biểu diễn cho khách du lịch. Là người Khmer, được múa những giai điệu Khmer là niềm vui lớn với chúng tôi và nay có thể tăng thêm thu nhập, làm kế mưu sinh từ nghề thì không còn gì vui sướng bằng” - bà Hoa tâm sự.

Trong quá trình hoạt động, với niềm đam mê, trách nhiệm trong việc giữ gìn gìn tiếng hát, điệu múa dân gian của dân tộc, các thành viên trong CLB đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động. Bà Trần Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết: Để hỗ trợ CLB phát huy truyền thống văn hóa, văn nghệ của đồng bào Khmer, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2023-2025 trình UBND huyện. Đồng thời, đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ trên 250 triệu đồng mua các trang thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ cho CLB hoạt động.

“Hiện nay, CLB được xem là đơn vị nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã An Thạnh Nam. Hằng năm, CLB tham gia dàn dựng chương trình để biểu diễn phục vụ nhân dân vào các dịp lễ hội truyền thống, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch của xã An Thạnh Nam không hề đơn giản, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành...” - bà Hằng nói.

Theo ông Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, các CLB sẽ chú trọng việc đa dạng hóa hình thức sinh hoạt phù hợp, phong phú hơn; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Ban Chủ nhiệm CLB. Đặc biệt, quan tâm tới việc truyền dạy cho các cháu thiếu niên có đam mê, sở thích với nghệ thuật truyền thống của dân tộc; mở rộng giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các CLB khác để nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra một môi trường sinh hoạt lành mạnh, sôi nổi, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Phan Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-tieng-hat-dieu-mua-dan-gian-cua-dong-bao-khmer-post488462.html