'Dân vận khéo' từ dự án trọng điểm
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thời gian qua, việc phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác 'Dân vận khéo' trong thực hiện giải phóng mặt bằng dự án (DA) đường bộ cao tốc Bắc-Nam trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có những tín hiệu tích cực. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thực hiện DA được thuận lợi...
DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn huyện Lệ Thủy có tổng chiều dài gần 32km. Diện tích chiếm dụng của DA là hơn 265,24ha. Có 926 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, 691 ngôi mộ phải di dời; tổng diện tích đất cần chuyển mục đích phục vụ DA là 256,88ha. Ngoài ra, còn có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng, buộc phải di dời.
Hơn nữa, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam ở địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như: Xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường; đồng thời nhận thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa cao đã ảnh hưởng đến tiến độ của DA…
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy Nguyễn Thanh Đức cho rằng, nhận thức rõ được những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB của DA, huyện đã khẩn trương thành lập tổ chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” với các thành viên chủ chốt là Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQVN huyện, các đoàn thể, cơ quan chuyên môn...
Tổ chỉ đạo sẽ phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia tháo gỡ khó khăn một số lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ lĩnh vực GPMB các công trình xây dựng cơ bản…
“Để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, huyện Lệ Thủy đã đôn đốc các cấp, ngành, đoàn thể tích cực gặp gỡ, đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ DA. Công tác dân vận được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; phổ biến và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân…”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy cho biết thêm.
Gia đình bà Trần Thị Phia (thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy) thuộc diện GPMB DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam cho biết: Gia đình tôi có 718,9m2 đất và tài sản thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ, trong đó có 250m2 đất ở và 468,9m2 đất trồng cây lâu năm.
Mới đầu, do chưa hiểu rõ về chính sách đền bù của Nhà nước và lợi ích khi có DA đường giao thông được mở nên gia đình tôi còn nhiều băn khoăn, ái ngại. Nhưng sau này được tuyên truyền, vận động; đặc biệt là sau khi các cán bộ trong tổ chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” của huyện trực tiếp xuống nắm bắt tư tưởng, giải thích, gia đình tôi bây giờ đã thông, yên tâm, vững tin và sẵn sàng hợp tác để DA triển khai thuận lợi…
Điểm nổi bật của việc thực hiện tốt công tác GPMB DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam là huyện Lệ Thủy đã phân công những đồng chí trong cấp ủy phụ trách các địa phương trong vùng DA thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo việc tổ chức triển khai công tác GPMB; trực tiếp xuống từng thôn, bản để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường, GPMB; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nằm trong diện được bồi thường, hỗ trợ GPMB DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam, ông Đặng Xuân Quyết (tổ dân phố 4, thị trấn Nông trường Lệ Ninh) chia sẻ, gia đình ông có nhà và tài sản thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ với diện tích 830,7m2 đất, trong đó, có 200m2 đất ở và 630,7m2 đất trồng cây lâu năm. Trước đây, do chưa hiểu rõ về chính sách đền bù của Nhà nước nên gia đình không nhận tiền đền bù của DA. Nhưng, sau khi nghe các cán bộ vận động, gia đình ông đã hiểu rõ nên đã nhận tiền đền bù để công trình thi công bảo đảm đúng tiến độ…
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy Nguyễn Thanh Đức thông tin thêm, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả vai trò của công tác dân vận, hiện, công tác GPMB của DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam ở địa phương đang chuẩn bị về đích để bàn giao cho đơn vị thi công. Theo đó, đến nay, huyện Lệ Thủy đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 935 hộ, với số tiền gần 793 tỷ đồng, tương đương khoảng 233ha với chiều dài hơn 31km, đạt 98%; đã bàn giao cho Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh-Bộ Giao thông vận tải hơn 30km mặt bằng, đạt tỷ lệ 95,2%...
“Công tác GPMB rất khó khăn và phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện. Có một điểm chung, khi GPMB, nhiều hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của Nhà nước khiến việc vận động gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một số trường hợp còn bị tác động của người ngoài nên không hợp tác với chính quyền và những người làm công tác dân vận. Hiểu được tâm lý của người dân nên tổ chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” đã vào cuộc tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục, kiên trì. Vì thế, đa số người dân đã hiểu, đồng thuận, không suy tính thiệt hơn, sẵn sàng chấp hành và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy cho hay.
Thực tế từ công tác “Dân vận khéo” trong công tác GPMB DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam tại huyện Lệ Thủy cho thấy, muốn thực hiện thành công, trước hết, mỗi cán bộ phải là những người am hiểu pháp luật, thường xuyên, kiên trì qua lại gần dân, nắm tâm tư nguyện vọng của dân nhất là những hộ dân tư tưởng chưa thông; sẵn sàng đứng về phía dân, lắng nghe dân nói, tháo gỡ từng việc trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau” một cách công khai, minh bạch, dân chủ.
Mặt khác, cần tìm hiểu về đối tượng vận động để sắp xếp cán bộ tổ chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” cho phù hợp, với những trường hợp nhận thức còn hạn chế, cần tranh thủ mối quan hệ anh em họ hàng, bạn bè thân thiết để giúp sức vận động…