Dân vận khéo, việc thành công - Bài 1: Góp tiền của, thêm sức người
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng để xây dựng Thừa Thiên Huế hôm nay.
Hỗ trợ người dân thoát nghèo
Anh Hồ Văn Hiếu từng là hộ nghèo tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Trước đây, kinh tế phụ thuộc vào ít diện tích trồng lúa cho năng suất thấp. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, các con liên tiếp ra đời, càng khiến đời sống thêm vất vả. Từ khi được chị Hồ Thị Thương, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Pâr Ay, xã Hồng Thủy hỗ trợ heo giống và thuê làm rẫy, đời sống gia đình anh Hiếu dần ổn định và đã thoát nghèo.
Anh Hiếu kể lại, thấy gia đình mình khó khăn, chị Hồ Thị Thương đến tận nhà và nói rằng sang nhà chị bắt cặp heo giống về nuôi; sau khi heo lớn, bán đi rồi mới trả tiền giống. Có được cặp heo, hai vợ chồng chăm sóc rất kỹ, nhờ thế heo lớn nhanh và bán được giá. Sang lứa thứ hai và các lứa sau cũng thế, anh Hiếu cứ bắt heo giống về nuôi, bán được mới trả tiền cho chị Thương. Tích góp dần, vợ chồng anh nhân rộng được đàn heo, cho thu nhập ổn định. Vợ chồng anh Hiếu còn được chị Hồ Thị Thương thuê làm rẫy, trồng và chăm sóc ngô, sắn, cây tràm… thu nhập mỗi ngày gần 300 nghìn đồng.
Không chỉ có trường hợp anh Hiếu, chị Hồ Thị Thương như “bà đỡ” của người nghèo trong xã Hồng Thủy. Hằng năm, chị tạo việc làm cho 12 - 15 lao động, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng; đặc biệt là hỗ trợ heo giống cho các hộ dân trong xã chăn nuôi, tạo cơ hôi vươn lên thoát nghèo; huy động, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ cho hàng chục gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Nhờ vậy, mỗi năm chị đã giúp 1 - 2 hộ thoát nghèo bền vững.
Chị Hồ Thị Thương chia sẻ, cũng là người con dân tộc, nên bản thân thấu hiểu được những vất vả, hạn chế của người dân địa phương trong phát triển kinh tế. Khi chị làm được gì đó, cũng mong muốn hỗ trợ lại cho người dân. Khi giao heo giống, chị luôn nhấn mạnh đây là “cần câu cơm”, yêu cầu người dân cam kết chỉ nuôi, không được làm thịt. Quá trình nuôi thường xuyên đến hướng dẫn thêm kỹ thuật. Thấy kinh tế người dân ngày càng đi lên, chị có thêm động lực để tiếp tục hỗ trợ cho nhiều người khác.
Tại xã Hương Phong, huyện A Lưới, anh Nguyễn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã trở thành cán bộ được người dân tin yêu. Với nhiệm vụ của mình, anh Dũng đã thành lập được 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp “Vườn, ao, chuồng” và “Nuôi ong ruồi lấy mật”; hợp đồng quản lý 2 dự án nuôi bò sinh sản để 12 hộ tham gia chăm sóc. Anh cũng hướng dẫn và đồng hành cùng người dân phát triển các mô hình chăn nuôi dê, gà theo hướng gia trại, chăn nuôi bò sinh sản, trồng chuối, ổi, các cây có múi, thanh long theo hướng vườn mẫu... Hàng chục hộ nông dân tham gia và triển khai hiệu quả, thoát nghèo với mức thu nhập cao.
Anh Nguyễn Dũng còn vận động hội viên nông dân tham gia đóng góp công sức, tiền bạc, hiến đất để bê tông hóa 2,5km đường liên thôn, đường vào khu vực sản xuất, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng; vận động hội viên tham gia các hoạt động, như “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”… Nhờ thế mà bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Lãnh đạo huyện A Lưới cho hay, từ những mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể cán bộ, người dân thời gian qua đã giúp A Lưới giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo 49,98% vào cuối năm 2021, nay dự kiến vào cuối năm 2024 giảm còn 14,34%. Việc A Lưới thoát nghèo cũng đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh dự kiến đến cuối năm 2024 giảm chỉ còn 1,41%.
Hiến đất làm đẹp quê hương
Trong tiến trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế, một trong những mục tiêu là đưa Phong Điền trở thành thị xã. Lãnh đạo huyện Phong Điền nhiều lần tâm đắc, với địa phương, nếu không có sự đồng hành của toàn thể người dân thì khó để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; trong đó, phải kể đến công tác hiến đất để thực hiện các công trình công cộng, làm đường giao thông.
Theo thống kê của UBND huyện Phong Điền, từ khi triển khai xây dựng thị xã, toàn huyện có 4.350 hộ gia đình tự nguyện hiến đất, với tổng diện tích gần 578 nghìn m2 để xây dựng 229 công trình. Giá trị tiền sử dụng đất hiến khoảng 57,8 tỷ đồng.
Trong số những hộ hiến đất, gia đình bà Nguyễn Thị Loan ở xã Phong An có giá trị hiến lớn nhất, với gần 900 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Loan bày tỏ, là con dân Phong An, được góp phần nhỏ bé xây dựng các công trình công cộng để phát triển kinh tế địa phương là điều hạnh phúc nhất. Ban đầu, gia đình cũng thấy tiếc vì giá trị đất lớn, nhưng khi thấy sự cần thiết của việc mở đường và chứng kiến bà con, nhất là các cháu học sinh đi lại thuận lợi nên thấy rất ấm lòng.
Tại thôn Nhì Tây, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, từ khi có định hướng xây dựng xã thành phường, được sự vận động của chính quyền địa phương, người dân đã đồng thuận hiến hơn 3.000m2 đất để mở rộng đường. Tại dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc đi qua khu lăng mộ của người dân, sau khi được vận động, gần 500 ngôi mộ nằm trong vùng ảnh hưởng đã được người dân tự nguyện di dời về khu quy hoạch nghĩa trang của xã. Điều này đã giúp địa phương kịp thời giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho dự án.
Sạch, đẹp và an toàn
Kiệt 131 đường Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP. Huế lâu nay "nổi tiếng" phức tạp về tình hình an ninh, trật tự. Từ khi có sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, nơi đây đã cơ bản chuyển hóa, đạt chuẩn về an ninh, trật tự. Riêng với ông Bùi Xuân Tố, Bí thư chi bộ 6 đã đến từng nhà, nắm bắt từng cá nhân để tiến hành vận động, cảm hóa các đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các đề xuất chính đáng của người dân, ông đều cố gắng tham gia giải quyết, lâu dần người dân tin tưởng và nghe theo ông.
Cùng với công tác giáo dục cảm hóa, các phong trào, như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng”… được triển khai hiệu quả đã giúp hai ngõ 69 và 91, kiệt 131 Trần Phú được công nhận đạt tiêu chí xanh, sạch, sáng, an toàn tiêu biểu. Riêng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ngõ 69, kiệt 131 Trần Phú được Thành ủy TP. Huế công nhận tổ dân phố đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” năm 2023.
Tại khu vực nhà văn hóa tổ 5, phường Phú Hậu, TP. Huế, từ năm 2023 trở về trước, nơi đây từng là nơi tập kết rác của nhiều xe hàng ở chợ đầu mối Phú Hậu và người dân trong khu vực. Bãi rác rộng hơn 200m2 thường xuyên bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Trước tình hình đó, ông Trịnh Hùng Trường, Bí thư Chi bộ 5, phường Phú Hậu đã chủ động vận động kinh phí của những người con xa quê và sự đóng góp công sức của người dân trong tổ dân phố dọn sạch bãi rác; sau đó, chỉnh trang lại thành công viên, sân chơi, trang bị thêm hệ thống đèn chiếu sáng, ghế đá. Hiện nay, khu vực này đã trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng với diện tích gần 500m2.
"Từ một nơi từng là điểm tập kết rác thải, nhếch nhác nay lại sạch đẹp, trở thành điểm vui chơi giải trí cho cả khu vực, nên mỗi người dân sống xung quanh đều xung phong tham gia các công việc, như: Quét dọn khu vui chơi, chăm sóc cây xanh, tưới cây vào mùa hè, quản lý hệ thống điện… Tất cả cùng quyết tâm thực hiện tốt phong trào xây dựng “Khu dân cư văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc”; xây dựng tuyến đường dân vận khéo: “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn tiêu biểu”… xứng đáng với thành phố trực thuộc Trung ương", ông Trịnh Hùng Trường tâm đắc.