Quân đội Mỹ đang ở “ngã rẽ” khi Lầu Năm Góc bắt đầu tìm kiếm những kế hoạch nhằm định hướng lại việc phát triển nền quốc phòng trong tương lai, để chống lại những đối thủ tiềm tàng sau gần hai thập kỷ tập trung vào các cuộc xung đột chống nổi dậy.
Đối thủ đầu tiên là Nga đang đặt ra thách thức về sức mạnh quốc phòng truyền thống cho Quân đội Mỹ, với các đội hình cơ giới hóa lớn đang đe dọa vùng Baltic, cũng như các tên lửa đạn đạo tầm xa, pháo và tên lửa đất đối không.
Đối thủ thứ hai là Trung Quốc, Mỹ sẽ phải tập trung vào việc kiểm soát vùng biển và vùng trời trên Thái Bình Dương nếu xung đột xảy ra. Mỹ cần triển khai tên lửa chống hạm tầm xa và trực thăng tới các hòn đảo xa xôi, các quốc gia đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc và thậm chí trên các tàu sân bay.
Hầu hết tất cả các hệ thống tác chiến trên bộ chính của Mỹ đều được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Do đó vào năm 2017, Mỹ đã thành lập nhóm chuyên gia để phát triển nhanh chóng thế hệ vũ khí mới để đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai.
Đầu tiên là pháo binh chính xác tầm xa, quân đội Mỹ nổi tiếng với việc sử dụng pháo binh yểm trợ từ xa, nhanh chóng và chính xác trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột gần đây quân đội Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các cuộc không kích sử dụng vũ khí chính xác.
Nhưng ưu thế trên không sẽ không thể duy trì khi đối mặt với một kẻ thù ngang hàng sở hữu hệ thống phòng không đáng gờm. Trên thực tế, các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo tầm xa là rất cần thiết để phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương, nhằm tạo điều kiện cho không quân phát huy sức mạnh.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là phát triển các loại hỏa lực chính xác tầm xa và đã có rất nhiều dự án đang được triển khai như việc nâng cấp pháo tự hành M109 Paladin và các loại pháo kéo nòng dài giúp tăng phạm vi tấn công thông thường lên đến 60km và lên đến 130km đối với đạn phản lực.
Một thành phần không thể thiếu khác của pháo binh là hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 và M142 đặt trên xe cơ giới, được trang bị các tên lửa tầm xa giúp mở rộng tầm bắn lên đến 150 km.
Ngoài ra các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS có tầm bắn lên tới gần 180km sẽ được thay thế bằng hai loại tên lửa tấn công chính xác nhỏ hơn với tầm bắn hơn 300km và có thể bắn trúng các mục tiêu đang di chuyển.
Thứ hai là phương tiện chiến đấu bọc thép, được xem là ưu tiên thứ hai của quân đội Mỹ nhằm thay thế các xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley ngày càng yếu kém. Vào năm 2018, Lục quân Mỹ đã quyết định tiến hành cải tiến những chiếc xe M2 Bradley nhưng hủy bỏ việc thay thế tháp pháo của nó.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm kiếm một phương tiện chiến đấu có khả năng chuyên chở lớn hơn, trang bị hỏa lực mạnh hơn với một khẩu pháo tự động từ ba mươi đến năm mươi mm cùng các tên lửa mới và hệ thống bảo vệ chủ động. Các mẫu xe đang được lựa chọn gồm Rheinmetall Lynx, General Dynamics Griffon III và BAE CV-90 Mark IV.
Quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu mua những chiếc M2 Bradley không tháp pháo để phục vụ như xe bọc thép đa năng, hỗ trợ như kỹ thuật chiến đấu, vận tải tiện ích, làm nhiệm vụ cứu thương, làm trạm chỉ huy và chở súng cối.
Ngoài ra những chiếc xe bọc thép Stryker APCS bánh lốp cũng được trang bị tháp pháo “Dragoon” với khẩu pháo 30 mm và tên lửa chống tăng Javelin, để tạo cơ hội chiến đấu cho các phương tiện nhẹ hơn chống lại lực lượng cơ giới hóa của đối phương.
Mỹ cũng đang lắp đặt các hệ thống bảo vệ chủ động Trophy và Iron Fist trên các xe tăng Abrams và Bradley. Giúp phát hiện tên lửa đang đến và gây nhiễu hoặc bắn hạ chúng không cho va chạm vào xe.
Thứ ba là máy bay trực thăng, loại phương tiện rất cần thiết cho khả năng di chuyển và tác chiến trên chiến trường, tuy nhiên thứ vũ khí này cũng đắt tiền, tầm bay thấp và dễ bị đối phương tấn công.
Lục quân Mỹ đang hướng tới xây dựng một hệ thống máy bay trực thăng hoàn toàn mới trong tương lai, để thay thế hơn hai nghìn chiếc trực thăng Blackhawk và Apache. Lựa chọn thứ nhất là Bell V-280 Valor, là một máy bay trực thăng có cánh quạt nghiêng, có thể xoay động cơ từ máy bay trực thăng sang một cấu hình giống như máy bay cánh quạt.
Sự lựa chọn thứ hai là trực thăng Sikorsky SB-1 Defiant, là một máy bay trực thăng ghép với hai cánh quạt quay ngược chiều nhau. Defiant có khả năng tốt hơn trong các cuộc diễn tập tốc độ thấp với ưu điểm là tốc độ cao và hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Thứ tư là hệ thống phòng không và tên lửa, trong nửa thế kỷ qua ưu thế trên không của Không quân Mỹ đã làm giảm nhu cầu đối với hệ thống phòng không trên bộ của Lục quân, vốn đã bị cắt giảm nhiều.
Tuy nhiên, các mối đe dọa mới gây ra bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và sự phổ biến của các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đã khiến việc tái xây dựng ngành phòng không trở thành một ưu tiên rất lớn.
Mỹ hiện đang tập trung vào xây dựng khả năng phòng không tầm ngắn cơ động với các phương tiện hỗ trợ quân đội tiền tuyến bắn hạ các mối đe dọa tầm thấp. Lục quân có kế hoạch triển khai Stryker 8 x 8 được trang bị tên lửa Stinger và Hellfire, thiết bị gây nhiễu chống máy bay không người lái và pháo 30mm.
Lục quân Mỹ cũng đang phát triển một loại laser 100 KW gắn trên phương tiện cơ giới, có thể được sử dụng để đốt cháy máy bay không người lái trên bầu trời với chi phí hiệu quả.
Đối với khả năng phòng không tầm xa hơn, thay vì phát triển các tên lửa mới, quân đội Mỹ đang chi hàng tỷ USD để cải tiến các hệ thống Patriot và THAADS hiện có của mình bằng cách kết hợp các radar phân tán và hệ thống điều khiển hỏa lực của chúng thành một mạng lưới hiệu quả. Nguồn ảnh: Pinterest.
Cận cảnh tổ hợp pháo tự hành Paladin hiện đại bậc nhất thế giới đang phục vụ trong Quân đội Mỹ. Nguồn: Faiuio.
Thái Hòa