Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 7.000 đại bác và súng cối, hơn 5.000 pháo cao xạ chống máy bay, 158 tổ hợp tên lửa phòng không, hơn 700 chiến đấu cơ, 120 máy bay trực thăng, trên 100 tàu chiến và đã đưa vào hoạt động 117 cơ sở quân sự.
Phần lớn những vũ khí quân sự và trang thiết bị hiện đại nhất đều được Liên Xô cung cấp trong những năm không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Việt Nam.
Thời điểm đó Liên Xô đã đảm bảo hơn 3/4 tổng khối lượng viện trợ mà Việt Nam nhận được từ nguồn nước ngoài, để giúp Việt Nam kháng chiến chống xâm lược cũng như góp phần duy trì hoạt động của cơ cấu kinh tế-xã hội của đất nước.
Những thiết bị quân sự gửi từ Liên Xô sang Việt Nam là tiên tiến nhất của thời điểm đó. Chẳng hạn như những chiếc chiến đấu cơ phản lực MiG mà các phi công Việt Nam đã điều khiển để bắn hạ cả tiêm kích F-105 lẫn "pháo đài bay" B-52 của Mỹ.
Tiếp theo là tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2 có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không, ngay cả khi ở độ cao 25 km. "Đây là những quả đạn tử thần được phóng lên từ mặt đất để diệt máy bay", tạp chí quân sự-kỹ thuật Mỹ thời ấy đã nêu nhận xét.
Trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh các vũ khí, thiết bị quân sự và vật tư khác được chuyển từ Liên Xô tới Việt Nam chủ yếu là bằng đường sắt và đi qua lãnh thổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc sau đó đã không còn nồng ấm như trước, mà xuất hiện nhiều rạn nứt và các cuộc xung đột nguy hiểm, cao điểm là cuộc xung đột biên giới Trung – Xô năm 1969, suýt đẩy hai quốc gia đến cuộc chiến tranh hạt nhân.
Vì vậy những toa tàu với hàng hóa từ Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đi qua Trung Quốc thường xuyên bị gỡ niêm phong, các thiết bị quân sự bí mật phải chịu sự kiểm tra bất hợp pháp của chuyên gia Trung Quốc.
Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Xô Viết đã quyết định đưa hàng tới Việt Nam bằng đường biển, trực tiếp từ các hải cảng của Liên Xô và không đi qua lãnh thổ Trung Quốc bằng đường sắt như trước nữa.
Chỉ tính riêng năm 1970, nếu đem tất cả các hàng hóa chuyển bằng đường biển từ Liên Xô sang Việt Nam chất lên các toa tàu đường sắt, thì đoàn xe lửa chở hàng như vậy sẽ có chiều dài lên tới 800 km.
Các thủy thủ Liên Xô chuyển hàng bằng hai tuyến đường. Tuyến đường ngắn từ cảng vùng Viễn Đông, vượt qua khoảng 3.000 hải lý đi qua vùng biển cá nước Đông Á và mất 10 ngày đêm để đến Việt Nam.
Tuyến dài từ các cảng vùng Biển Đen. Do việc đóng cửa tàu kênh đào Suez hồi ấy, tàu bè từ Biển Đen buộc phải đi vòng qua châu Phi, tức là kéo dài hành trình thêm 14.000 hải lý, xa thêm đến 26.000 km. Lộ trình này mất 45 ngày đêm chạy liên tục không nghỉ.
Trong những năm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam, trung bình mỗi tháng có 40 con tàu Liên Xô đi theo những lộ trình này tới Việt Nam và neo lại bốc dỡ hàng tại các cảng Hải Phòng, Hòn Gai và Cẩm Phả.
Trong suốt cuộc chiến, tổn thất chuyên gia quân sự Liên Xô trực tiếp tại Việt Nam là 4 người và thương vong của các thủy thủ dân sự Liên Xô đảm trách mang hàng viện trợ sang Việt Nam là 7 người.
Sự hỗ trợ quý báu của Liên Xô đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trực tiếp khẳng định tình cảm tốt đẹp giữa hai nước và cỗ vũ tinh thần giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nguồn ảnh: TL.
Những thước phim hiếm hoi ghi lại cuộc xung đột đầy máu lửa giữa Liên Xô và Trung Quốc năm 1969. Nguồn: TheArchive.
Thái Hòa