Đảng bộ Bộ Công Thương phát huy vai trò lãnh đạo trong phát triển công nghiệp
Dưới sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng bộ Bộ Công Thương, ngành công nghiệp từng bước khẳng định vai trò trụ cột, là 'xương sống' của nền kinh tế quốc dân.
Từ những định hướng quyết sách đúng đắn, kịp thời
Đảng, Nhà nước đã xác định công nghiệp là động lực quan trọng cho đất nước phát triển, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, cũng đồng thời trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Ảnh: TT
Nhìn lại quá trình phát triển ngành công nghiệp, ngay từ Đại hội lần thứ VIII (1996) của Đảng đã xác định mục tiêu, đến năm 2020 ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Qua các Đại hội IX, X, XI, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định xuyên suốt, trong đó phát triển công nghiệp là để tạo nền tảng thực hiện mục tiêu đó.
Đến Đại hội XI (2011) mục tiêu phát triển công nghiệp được xác định với mục tiêu quyết liệt: Ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị thay thế nhập khẩu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; công nghiệp công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, công nghiệp dầu khí, điện, than, khai khoáng, hóa chất, luyện thép, xi măng, phân đạm..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng.
Tiếp đó để tạo “lực đẩy” cho phát triển ngành công nghiệp, ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đáng chú ý, năm 2025 là năm bản lề đánh dấu chuẩn bị 40 năm công cuộc đổi mới, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, và cũng là thời điểm cả nước hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV - nơi xác định những định hướng chiến lược quan trọng cho đất nước trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
…Đến bước phát triển nhảy vọt
Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ Đảng bộ Bộ Công Thương, Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực một cách hợp lý, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế; các ngành, lĩnh vực và các địa phương cũng đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tái cơ cấu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, công nghiệp luôn chiếm trên 30% trong cơ cấu GDP; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của ngành (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80%), từng bước khẳng định là một trong những trung tâm sản xuất của châu Á, được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đưa vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp thu nhập trung bình.
Điểm nổi bật là công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân tăng khoảng 6,3%/năm. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 7,1%/năm, tiếp tục duy trì là động lực tăng trưởng cơ bản của công nghiệp (tỷ trọng tăng từ 77,2% năm 2021 lên khoảng 80% năm 2025) và đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 85%). Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp cao hơn tăng trưởng GDP (bình quân giai đoạn 2021-2025: GDP ước tăng bình quân 6,23%; Công nghiệp ước tăng 6,51%); Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến khá tích cực với sự giảm dần của ngành khai khoáng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, cụ thể ngành khai khoáng giảm từ 2,49% năm 2021 xuống khoảng 2,3% năm 2025; Ngành chế biến, chế tạo và ngành điện tăng ương ứng từ 24,48% và 3,95% năm 2021 lên khoảng 24,63% và 4,3% năm 2025.
Công nghiệp tự chủ: Nhìn lại để đi tới
Chia sẻ về phát triển ngành công nghiệp trong dài hạn hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp tự chủ, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách phát triển công nghiệp để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới”- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm. Trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thêm nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để trợ lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao nội lực về trình độ khoa học, công nghệ, nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng bộ Bộ Công Thương đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sâu xa hơn, để có một nền công nghiệp thực sự phát triển, đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ góc độ của Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc CMCN 4.0.
Theo đó, các chính sách vĩ mô cần được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các nguồn lực xã hội (vốn, nguồn nhân lực…) hướng vào lĩnh vực sản xuất nói chung và các ngành công nghiệp nền tảng nói riêng. Sản xuất công nghiệp hiện nay được tổ chức theo chuỗi giá trị (thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn) rất chặt chẽ, do đó, ưu tiên của việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của ngành, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ. Ảnh: TT
Đi vào mục tiêu cụ thể hơn, đối với các chính sách phát triển ngành công nghiệp Bộ Công Thương sẽ đề xuất trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như là xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách xây dựng các tập đoàn lớn để dẫn dắt theo các ngành công nghiệp đi theo. Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, vẫn phải phát triển các ngành có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp tự chủ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Công nghiệp nền tảng, Luật này sẽ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Việc xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp nền tảng được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng bộ Bộ Công Thương và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của cả nước, nhất định ngành công nghiệp Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại của đất nước nhanh và bền vững.