Người trẻ Singapore không muốn làm một chỗ quá 3 năm

Nhiều người trẻ ở đảo quốc sư tử rời bỏ công việc đầu tiên chỉ sau vài năm, khiến phụ huynh thất vọng và gây áp lực lên doanh nghiệp về chi phí đào tạo lẫn thích nghi nhân sự mới.

 Với nhân sự trẻ, nhảy việc không chỉ mang lại cơ hội học hỏi mà còn giúp họ đàm phán mức lương cao hơn. Ảnh minh họa: RDNE/Pexels.

Với nhân sự trẻ, nhảy việc không chỉ mang lại cơ hội học hỏi mà còn giúp họ đàm phán mức lương cao hơn. Ảnh minh họa: RDNE/Pexels.

“Con mới làm được 3 năm mà đã muốn nghỉ à? Thế thì còn trung thành gì nữa?”, câu hỏi của mẹ khiến Kumar (27 tuổi) không khỏi ngạc nhiên. Cô gái trẻ vừa quyết định rời vị trí hành chính tại một trường đại học để tìm kiếm thử thách mới, bất chấp ánh mắt ái ngại của thế hệ đi trước.

Kumar chỉ là một trong số đông những người trẻ Singapore chọn rời bỏ công việc hiện tại sau 1-3 năm gắn bó. Theo khảo sát Money Mind, 37% Gen Z Singapore cho biết họ chỉ muốn làm ở một công ty từ 1-2 năm, tỷ lệ cao nhất khu vực, vượt xa Trung Quốc (chỉ 5%). Ngược lại, chỉ 14% Gen Z Singapore muốn gắn bó với một công việc năm năm trở lên, mức thấp nhất trong các nước được khảo sát, Channel News Asia đưa tin.

Nghỉ việc vì phát triển bản thân, không phải thiếu cam kết

Đằng sau quyết định nhảy việc là khao khát phát triển nghề nghiệp và mức thu nhập tốt hơn.

David Blasco, Giám đốc quốc gia Randstad Singapore, nhận định thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhanh chóng, thay đổi công việc mỗi 2-3 năm là cách hiệu quả để họ phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh không thể quy chụp thế hệ trẻ là thiếu trung thành

“Đại dịch và sự bất ổn kinh tế, từ làn sóng tuyển dụng ồ ạt đến tái cấu trúc toàn cầu, khiến khái niệm ‘an toàn việc làm’ ngày càng mong manh. Việc Gen Z thường xuyên chuyển việc là phản ứng hợp lý với thị trường lao động nhiều biến động”, ông nói.

Heng T.J. (28 tuổi), nhân viên trong lĩnh vực y tế công cộng, đã thay đổi công việc 3 lần trong 5 năm. Vai trò dài nhất của anh là khoảng 2 năm tại một trường đại học, trong khi ngắn nhất chỉ kéo dài nửa năm tại một ngân hàng.

"Tôi không chủ ý nhảy việc thường xuyên, nhưng nếu sau 2-3 năm tôi không còn học hỏi được gì, tôi sẽ không ngần ngại rời đi”, anh chia sẻ. Những lý do khiến anh thay đổi công việc bao gồm không phù hợp với văn hóa công ty, thiếu cơ hội phát triển và sự thay đổi trong phạm vi công việc sau tái cấu trúc.

 Nhiều người trẻ không chủ động đặt mục tiêu “mỗi năm đổi một nơi làm”, mà quyết định dựa trên cơ hội học hỏi và môi trường phát triển. Ảnh minh họa: Baz Ratner/Reuters.

Nhiều người trẻ không chủ động đặt mục tiêu “mỗi năm đổi một nơi làm”, mà quyết định dựa trên cơ hội học hỏi và môi trường phát triển. Ảnh minh họa: Baz Ratner/Reuters.

Tương tự, một nữ quản lý tài khoản 29 tuổi trong ngành quảng cáo và quan hệ công chúng đã làm việc tại 4 công ty kể từ năm 2020, mỗi nơi khoảng 1 năm.

"Tôi luôn xác định rõ mục tiêu khi vào một công ty, chẳng hạn như quản lý ngân sách chiến dịch tiếp thị lớn hoặc thực hiện một chiến dịch offline. Khi đạt được mục tiêu, dù chỉ trong một năm, tôi sẽ tìm kiếm cơ hội mới”, cô nói.

Theo Puneet Swani, Giám đốc giải pháp nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Aon, Gen Z có những ưu tiên khác biệt so với các thế hệ lớn hơn. Họ coi trọng sự linh hoạt trong công việc, cơ hội học hỏi và chất lượng quản lý, trong khi các thế hệ trước tập trung vào lương thưởng, an toàn việc làm và địa điểm làm việc.

Bên cạnh đó, nhảy việc là cơ hội để thương lượng mức lương mới. Không ít người trẻ thừa nhận, mức tăng lương mỗi lần chuyển việc cao hơn hẳn các khoản tăng lương định kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị người lao động nên cân nhắc chuyển việc vì mục tiêu học hỏi và phát triển kỹ năng, thay vì chỉ chạy theo mức lương tăng 5-10%.

"Nghiên cứu cho thấy những nhân viên gắn bó lâu dài thường được công ty đầu tư phát triển, từ đó có cơ hội thăng tiến nhanh hơn", ông nói.

Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp

Nhảy việc thường xuyên đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, từ chi phí đào tạo đến việc thích nghi với nhân viên mới. Swani cho rằng các công ty cần đầu tư vào phát triển kỹ năng và tạo môi trường làm việc lấy con người làm trung tâm để giữ chân nhân tài trẻ.

Blasco thì khuyến nghị nhà tuyển dụng nhìn nhận tích cực hơn về Gen Z, bởi họ mang đến sự sáng tạo, khả năng thích ứng với công nghệ và tinh thần đổi mới.

 Áp lực công việc, thiếu cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc thiếu tích cực là nguyên nhân chính khiến nhân sự trẻ sẵn sàng “dứt áo ra đi”. Ảnh minh họa: Edgar Su/Reuters.

Áp lực công việc, thiếu cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc thiếu tích cực là nguyên nhân chính khiến nhân sự trẻ sẵn sàng “dứt áo ra đi”. Ảnh minh họa: Edgar Su/Reuters.

Với người lao động, điều quan trọng là chứng minh được mỗi lần chuyển việc đều được cân nhắc kỹ lưỡng và mang lại giá trị.

Nữ quản lý tài khoản chia sẻ rằng trong ngành quảng cáo, nhà tuyển dụng thường đánh giá dựa trên kinh nghiệm và danh mục khách hàng, thay vì thời gian làm việc tại một công ty. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận khi ứng tuyển vào các vị trí nội bộ, một số công ty vẫn đặt câu hỏi về những giai đoạn làm việc ngắn.

Song, cả Heng và nữ quản lý đều cho rằng nhảy việc không làm họ gặp bất lợi trong quá trình tìm việc.

"Nếu nhà tuyển dụng có tư duy cứng nhắc, liệu bạn có thực sự muốn làm việc cho họ?", Heng đặt câu hỏi.

Nữ quản lý chia sẻ thêm rằng trong tương lai, quan điểm về nhảy việc của cô có thể thay đổi, nhất là khi cô đang tìm kiếm một môi trường làm việc ổn định hơn trong tương lai.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-tre-singapore-khong-muon-lam-mot-cho-qua-3-nam-post1566725.html