Đảng bộ huyện Như Thanh lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế
Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Như Thanh đã tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Mô hình trồng đào cảnh của người dân xã Hải Long mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, Đảng bộ huyện Như Thanh đã tập trung tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và huyện. Trong đó, chú trọng đến Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-8-2008 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến tích cực làm thay đổi nhận thức, tư duy và cách làm trong từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Theo đó, người dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và sản xuất hàng hóa tập trung tạo thế mạnh cho nông sản địa phương, tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác...
Từ cách làm trên, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Điển hình như mô hình mạ khay, máy cấy; trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa; mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong nhà lưới; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, áp dụng công nghệ sinh học, như: hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa,... sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao... Ngoài ra, cùng với thâm canh lúa, mía nguyên liệu, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đang được huyện Như Thanh triển khai nhân rộng, như: trồng đào cảnh, ớt xuất khẩu ở xã Xuân Du, trồng riềng, nghệ vàng ở xã Cán Khê, trồng cây ăn quả có múi và dong riềng ở xã Yên Lạc, nấm mộc nhĩ ở xã Yên Thọ...
Huyện Như Thanh cũng có nhiều giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi dưới tán rừng nên đã thu hút được dự án lớn, có tiềm năng, như: chăn nuôi bò sữa có quy mô 2.000 con; chăn nuôi lợn ngoại, quy mô 2.400 lợn nái, 6.000 lợn thịt; 14 dự án chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô 30.000 con/lứa. Ngoài những dự án trên, người dân trong huyện còn phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, các mô hình con đặc sản, như: lợn rừng, lợn cỏ, gà đồi, thỏ, dê... Từ các mô hình trên đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động thường xuyên và gần 5.000 lao động thời vụ tại địa phương...
Đi đôi với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của người dân trong huyện cũng được quan tâm, các phong trào thi đua phát triển rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút đông đảo Nhân dân cùng tham gia, điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên phát huy hiệu quả, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng càng ra sức thi đua học tập, lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, gia đình và trẻ em được thực hiện có hiệu quả; an sinh xã hội được quan tâm...
Có thể nói, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự điều hành của chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, huyện Như Thanh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.