Đảng bộ huyện Như Thanh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế
Thời gian qua Đảng bộ huyện Như Thanh luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế. Từ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Mô hình nuôi lợn cỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Bảo ở thị trấn Bến Sung hằng năm cho thu nhập cao.
Hằng năm, Đảng bộ huyện đều xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để triển khai thực hiện. Huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, tích tụ tập trung đất đai để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết trong sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, trọng tâm là phát triển các loại cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh như cây cung cấp thức ăn xanh cho trang trại bò sữa, mía nguyên liệu, cây ăn quả, dược liệu, nấm các loại, đào cảnh, cây riềng, rau an toàn... Từ năm 2020 đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được trên 104 ha đất lúa sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi 53,72 ha đất trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế; phát triển 1.712 ha vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tích tụ được 851 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Phát huy lợi thế về đất lâm nghiệp, huyện đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển rừng như chỉ đạo thành lập các ban phát triển rừng cấp xã và cấp thôn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ Nhân dân trồng và đầu tư chăm sóc rừng. Vì vậy, công tác trồng rừng sau khai thác toàn huyện đạt 1.600 ha/năm, độ che phủ rừng bình quân đạt 57,4%; công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được tăng cường, an ninh rừng được giữ vững. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung; tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã chú trọng công tác quy hoạch nhằm đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm tại các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận nguồn vốn, khoa học - công nghệ, tư vấn pháp lý. Cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, địa phương trong huyện cho các nhà đầu tư... Vì vậy hằng năm huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như thủy lợi, giao thông trọng điểm. Điển hình như dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ có diện tích 49,87 ha, cụm công nghiệp Hải Long - Xuân Khang diện tích 48,85 ha; dự án khu đô thị mới Hải Vân với tổng mức đầu tư 940 tỷ đồng; dự án đường Bến En đi trung tâm thị trấn Bến Sung với tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng... Toàn huyện hiện có 346 doanh nghiệp, trong đó có 226 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội đã nhân lên niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa huyện Như Thanh phát triển bền vững trong thời gian tới.