Đảng bộ PVEP phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện chuyển đổi xanh bền vững
Trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng xanh hóa, giảm phát thải và trung hòa carbon, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chủ động nhận diện và triển khai nhiều bước đi quan trọng trên hành trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ PVEP đã và đang là động lực then chốt giúp PVEP thích ứng với những thay đổi mang tính chiến lược của ngành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dầu khí.
Nhận thức rõ ràng - Hành động quyết liệt
Giai đoạn 2020–2024 được xem là bước ngoặt quan trọng trong tư duy chiến lược của PVEP. Trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và hướng đến trung hòa carbon, Đảng bộ PVEP đã thể hiện vai trò lãnh đạo chủ động khi sớm nhận diện rằng, nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu và bỏ lỡ nhiều cơ hội bứt phá trong tương lai. Tình hình địa chính trị nhiều biến động, giá dầu biến động, trữ lượng khai thác suy giảm và thị trường tiêu thụ thu hẹp đã tạo ra nhiều áp lực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP. Tuy nhiên, cùng với đó, các cam kết quốc tế ngày càng khắt khe về giảm phát thải khí nhà kính cũng mở ra những cơ hội để PVEP tái cấu trúc và bứt phá theo hướng phát triển bền vững.

Hội thảo triển khai Chương trình hành động thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP.
Ngay từ năm 2023, PVEP đã ban hành Định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng (CDNL) cùng lộ trình thực hiện, trong đó không chỉ nhận diện rõ các rủi ro và thách thức, mà còn cụ thể hóa các bước đi chiến lược nhằm tận dụng nội lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và mở rộng hợp tác. Trên cơ sở đó, Chương trình hành động thích ứng CDNL số 61 và kế hoạch triển khai đã được xây dựng một cách toàn diện, chi tiết và có tính khả thi cao, tạo nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi từ định hướng sang hành động thực tiễn.
PVEP đã xác định 5 mục tiêu quan trọng: Trong lĩnh vực tìm kiếm – thăm dò, PVEP ưu tiên phát triển các dự án khí, phấn đấu nâng tỷ lệ sản lượng khai thác khí/dầu đạt mức 55/45 vào năm 2030 và 80/20 vào năm 2045. Đồng thời, doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Về công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, PVEP từng bước triển khai nghiên cứu, tiến tới cung cấp dịch vụ CCS/CCUS và các dịch vụ liên quan vào năm 2045. Song song đó, chương trình trồng cây chống biến đổi khí hậu và trung hòa carbon được triển khai đồng bộ tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam, với mục tiêu trồng khoảng 1,7 triệu cây xanh đến năm 2040. Tầm nhìn đến năm 2045, PVEP hướng tới trở thành công ty năng lượng quốc tế, với cơ cấu sản phẩm đa dạng gồm: khí, dầu, thu hồi và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo và sạch, tín chỉ carbon, tư vấn các dự án giảm phát thải và thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng. Từ các mục tiêu chiến lược đã đề ra, nhiều nhiệm vụ thiết thực và đa chiều đã được xác định và triển khai.

Đồng chí Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam giảng dạy trong Khóa đào tạo “Tổng quan về Môi trường, Xã hội và Quản trị - ESG” cho cấp quản lý và cán bộ, nhân viên Petrovietnam, trong đó có PVEP
Với mục tiêu giảm phát thải và hướng tới Net Zero, PVEP đã hoàn thành công tác kiểm kê khí nhà kính (KNK) định kỳ hằng năm và xây dựng xong lộ trình giảm phát thải ròng vào tháng 6/2024, giúp đơn vị chủ động thích ứng với các quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Việc báo cáo tại các diễn đàn chuyên ngành trong nước như Hội nghị Hội Công nghệ Mỏ và Năng lượng, Hội Dầu khí Việt Nam thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực này.
Đối với mục tiêu triển khai công nghệ CCS/CCUS, PVEP đã triển khai các nghiên cứu ban đầu như đánh giá tiềm năng lưu trữ CO₂ tại các lô dầu khí do PVEP điều hành, góp vốn; đánh giá mức độ phát thải và phân bố nguồn CO₂ tại Việt Nam phục vụ cho việc triển khai CCS; rà soát hạ tầng hiện hữu có thể tái sử dụng để phát triển CCS; nghiên cứu, học hỏi một số mô hình kinh doanh CCS trên thế giới. Với sự hỗ trợ của nhiều đối tác như SKEO, Perenco, Slumberger, ...PVEP đã đạt được một số mục tiêu bước đầu trong hành trình nghiên cứu CCS.
Nhằm hỗ trợ ứng dụng năng lượng tái tạo, PVEP đã triển khai đánh giá khả năng lắp đặt mô-đun năng lượng tái tạo trên các giàn khai thác hiện hữu. Các kết quả phân tích ban đầu giúp xác định được tiềm năng kỹ thuật và những yếu tố cần lưu ý trong quá trình triển khai thực tế.
Gắn với mục tiêu bảo vệ sinh thái và trung hòa carbon, Đề án “Cánh rừng PVEP” tại Cà Mau đã được triển khai trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa PVEP và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ. Với sự tham gia của 5 Đơn vị/Dự án, dự kiến PVEP và các đơn vị sẽ hoàn thành trồng 22ha rừng ngập mặn nơi địa đầu tổ quốc vào 2026. Với nỗ lực và cách tiếp cận mới trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chỉ trong 3 năm từ 2022-2025, PVEP cùng các Đơn vị/Dự án đã trồng hơn 321 ngàn cây xanh, phủ xanh 110,7 ha rừng, mang lại hiệu quả lớn đối với công tác chống biến đổi khí hậu.
Về hợp tác và nâng cao năng lực, PVEP đã tham gia và tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề trong nước và quốc tế như OTC 2023 tại Malaysia, MLP 2023, OSEA 2024 tại Singapore, Hội thảo Phát triển mỏ khí tháng 10/2024 và IPTC 2025. Các chương trình đào tạo quốc tế như MLP 1.0 và 2.0 về giảm phát thải methane, các khóa học ESG tháng 11/2024 đã giúp nâng cao hiểu biết và năng lực triển khai CDNL trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, PVEP còn thực hiện các sáng kiến như hiệu quả chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi điện, phối hợp với Panasonic – thu gom pin thải, thu hồi nilon đổi lấy túi vải, nhằm lan tỏa thói quen tiêu dùng bền vững từ hành vi nhỏ nhất. 108kg pin thu hồi trong gần 2 năm (2023-2024) cho thấy tinh thần chuyển đổi đã được lan tỏa từ chiến lược tới từng hành vi cụ thể.

PVEP thúc đẩy thích ứng với CDNL trong công tác văn phòng.
Những kết quả nêu trên không chỉ phản ánh tính chủ động, bài bản trong tiếp cận phát triển bền vững và chuyển đổi xanh của PVEP, mà còn là minh chứng rõ ràng cho năng lực tổ chức thực hiện, khả năng tích hợp các yếu tố khoa học – công nghệ – môi trường vào chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.
Nhìn một cách tổng thể, Đảng bộ PVEP đã không chọn cách thích ứng thụ động, mà thay vào đó là tư duy kiến tạo: xây dựng thể chế, đầu tư vào năng lực nội tại, đồng thời tạo ra hành lang khoa học và truyền thông hiệu quả. Đây chính là tiền đề giúp PVEP tự tin bước vào giai đoạn mới của ngành năng lượng, nơi thách thức và cơ hội luôn song hành.
Đảng lãnh đạo - Động lực cho chuyển đổi bền vững
Tâm thế "chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nghiệp vụ" đã được Đảng bộ PVEP thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo, từ việc ban hành định hướng, giám sát thực hiện, cho đến thúc đẩy đổi mới văn hóa làm việc. Đảng không chỉ đóng vai trò lãnh đạo, mà đã và đang trở thành nguồn cổ động cho sự đổi mới.
Thông qua sự hướng dẫn của Đảng bộ, PVEP đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CDNL, gắn quyết định chiến lược với tổ chức thực hiện và giám sát, khuyến khích các đơn vị đồng sáng kiến, thực thi dự án và lan tỏa nhận thức. Vai trò của Đoàn Thanh niên, Công đoàn được khuyến khích phát huy tính sáng tạo trong tuyên truyền và hành động xanh hóa.

PVEP ký thỏa thuận với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trồng mới 40 ha rừng và 250.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh
Hơn thế, Đảng bộ PVEP còn là nhân tố quan trọng trong xây dựng khung nền văn hóa doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo. Việc lập lộ trình giảm phát thải, tham vấn ESG, đầu tư vào CCS hay trồng rừng đã được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ các tổ chức Đảng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng và kiểm soát.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự đồng bộ giữa các cấp ủy, Chi bộ trong toàn hệ thống PVEP. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy PVEP, các đơn vị trực thuộc đã chủ động tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch hoạt động thường niên, tổ chức các chương trình truyền thông, đào tạo về ESG, CDNL, các xu hướng quản trị xanh toàn cầu. Các đảng viên giữ vai trò nòng cốt đã và đang truyền cảm hứng, nâng cao trách nhiệm cá nhân và lan tỏa tinh thần đổi mới đến toàn thể cán bộ, người lao động.
Câu chuyện chuyển đổi xanh của PVEP không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Sự đồng thuận trong tư tưởng, hành động và mục tiêu đã tạo nên một thể thống nhất, nơi mà Đảng bộ đóng vai trò trung tâm gắn kết, lãnh đạo và định hình con đường phát triển xanh hóa toàn diện.
PVEP cũng đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nội lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc năng lượng. Đồng thời, tham dự các hội nghị quốc tế, kết nối với các đối tác có cùng định hướng phát triển bền vững đang dần trở thành hoạt động thường xuyên và có định hướng chiến lược rõ ràng của PVEP.

Hội thảo về kết quả nghiên cứu chung trong thu hồi và lưu trữ carbon giữa PVEP và SK Earthon
Nhìn lại toàn bộ quá trình, Đảng bộ PVEP đang từng bước làm mới các động lực cũ bằng cách tái cấu trúc phương thức lãnh đạo, văn hóa tổ chức và cơ chế phối hợp nội bộ, đồng thời bổ sung các động lực mới thông qua chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và phát triển năng lực ESG - những yếu tố nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh hiện đại. Đây không chỉ là sự thích ứng đơn thuần, mà là quá trình làm mới toàn diện mô hình tăng trưởng, dựa trên nền tảng khoa học, sáng tạo và tinh thần phụng sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi năng lượng không chỉ là một cuộc cách mạng kỹ thuật, mà còn là thử thách về tư duy, tổ chức và văn hóa. Đảng bộ PVEP đã chứng minh vai trò dẫn dắt và khơi dậy tiềm lực nội tại mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, biến nhận thức thành hành động. Với nền tảng đã được xác lập vững chắc trong giai đoạn 2020-2024, PVEP đang từng bước hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi xanh, hướng tới trở thành đơn vị E&P hàng đầu khu vực, song hành cùng xu thế phát triển bền vững của quốc gia và thế giới./.