Góc nhìn chuyên gia: Mức áp thuế 46% của Mỹ gây nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam
Theo TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), Việt Nam cần triển khai nhiều biện pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng như tận dụng cơ các cơ hội chuyển đổi mới trước bối cảnh thách thức này...

Mỹ công bố sẽ áp mức thuế 46% lên 90% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Vào lúc 16:00 ngày 2/4/2025 (giờ bờ Đông, Washington DC), tại Vườn Hồng, Nhà Trắng (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Sự kiện này cũng được Mỹ gọi là “Ngày Giải phóng” (Liberation Day) - thời khắc mà Mỹ “giành lại chủ quyền kinh tế”.
Theo chính sách mới này, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp dụng đối với mọi hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ. Và từ ngày 9/4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là “gây mất cân bằng thương mại”.
THÁCH THỨC LỚN NHƯNG CŨNG LÀ CƠ HỘI CHUYỂN MÌNH CHO KINH TẾ VIỆT NAM
Với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc áp thuế quan đối ứng (Reciprocal tariff) được cho là sẽ đảm bảo công bằng và mang lại lợi ích của Mỹ trong hoạt động thương mại quốc tế, cụ thể là “nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ cùng mức như vậy”. Còn theo Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Howard Lutnick, thuế quan đối ứng là “các bạn đối xử với chúng tôi thế nào, tôi sẽ đáp trả bạn như thế”.
Cụ thể, trong tuyên bố về chính sách áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Tổng thống Donald Trump công bố danh sách các quốc gia có mức thuế đối ứng cao nhất. Dẫn đầu danh sách là Campuchia với 49%, tiếp theo là Việt Nam ở mức 46%, Sri Lanka 44%, Bangladesh 37%, Trung Quốc 34%, Thái Lan 36%, Đài Loan 32%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17% và Pakistan 29%.
Điểm đặc biệt trong công bố chính sách áp thuế đối với các đối tác thương mại lần này đó chính là Mỹ cũng sẽ kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ. Việt Nam cũng được Tổng thống Donald Trump nhắc tới là quốc gia có liên quan đến chính sách tiền tệ.

TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA)
“Chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ gây nên tác động rõ rệt đối với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may - da giầy, đồ gỗ và nội thất,…và tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên sẽ là thách thức trong năm 2025 .
Tuy nhiên, thách thức này cũng sẽ có thể trở thành động lực để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai”.
Khi nhìn vào các mức thuế này thì mức thuế áp cho Việt Nam so đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn, điều này có nghĩa mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 - 20%, điều này sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời sẽ gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Dựa trên số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 136,6 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt 13,1 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới 123,5 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu của một số quốc gia/ vùng lãnh thổ vào Mỹ trong năm 2024 và mức thuế mà Mỹ vừa mới công bố đối với từng quốc gia/ vùng lãnh thổ. Nguồn: UNComTrade và Báo cáo xuất nhập khẩu (2024).
Trước những diễn biến mới trong chính sách thuế mà Mỹ vừa công bố, TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ông Thuấn cho biết việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Phi,….
“Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân”, ông Thuấn cho hay.
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÙ HỢP ĐỂ VƯỢT QUA ÁP LỰC THUẾ QUAN
Trước những tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, ông Thuấn nhấn mạnh Việt Nam cần triển khai một loạt biện pháp chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội như: Tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ; Định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; Thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam; Tăng cường mua hàng từ Mỹ.
Đồng thời, cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường; Thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thực chất hơn nữa.

Về phía doanh nghiệp, ông Thuấn cho rằng để vượt qua áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời cải tiến và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm tối ưu hóa chi phí và tạo ra sản phẩm khác biệt. Đây sẽ là hướng đi giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động cạnh tranh mà không bị phụ thuộc hay chịu tác động lớn từ các rủi ro về thuế quan và rào cản phi thuế quan trong tương lai.
“Chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ gây nên tác động rõ rệt đối với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may - da giầy, đồ gỗ và nội thất,…và mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên sẽ là thách thức lớn trong năm 2025 đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức này cũng sẽ có thể trở thành động lực để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai”, ông Thuấn nhấn mạnh.