Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển (bài 6)

Bài 6: Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay

Đó là tiền đề để Đảng bộ, quân và dân Lạng Sơn cùng toàn Đảng, toàn dân ta bước sang giai đoạn cách mạng mới: thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1986 – 2000

Sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã giành được những thành tựu nổi bật quan trọng: Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; GDP bình quân thời kỳ từ 1986 – 2000 tăng hằng năm 7,53%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2000 đã thực hiện được 828,84 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực quy thóc tăng từ 121.300 tấn năm 1986 lên 206,213 tấn; bình quân lương thực người trên năm tăng từ 260 kg năm 1987 lên 284,2 kg năm 2000.

Năm 1997, tỉnh Lạng Sơn được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Đến năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% (theo tiêu chí cũ); độ che phủ rừng đạt 33,8%; tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia là 66,67%; tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới đạt 61%; tỷ lệ số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình Việt Nam đạt 73%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm là 100%; số xã, phường, thị trấn có bác sỹ đạt 40,8%.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường: Số lượng, chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng và số Đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh không ngừng tăng qua từng năm. Tổng số đảng viên tăng từ 20.000 năm 1986 lên 29.631 năm 2000. Vai trò, hiệu lực lãnh đạo và uy tín của Đảng được nâng cao; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.

Giai đoạn 2001 – 2005

Bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết các dân tộc, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, đạt được những kết quả quan trọng:

Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 10,04%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Thu ngân sách đạt kết quả khá, bình quân mỗi năm trên 700 tỷ đồng; năm 2001 là năm đầu tiên tỉnh Lạng Sơn thu ngân sách đạt trên 1.000 tỉ đồng. Lương thực bình quân đầu người đạt 366kg, vượt mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện: Trong nhiệm kỳ, tỉnh xây dựng được 25 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 5 trường trung học cơ sở và 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho 193 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 85,4%. Đến đầu năm 2005, có 70% số trạm y tế xã có bác sỹ; 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ hộ xem truyền hình đạt 72%, nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%; 94,2% số xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 80,5% số hộ được sử dụng điện lưới; thuê bao điện thoại cố định đạt 5,8 máy/100 dân; 75% dân cư thành thị và 55% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,8%.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn và củng cố; xây dựng tổ chức các cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, mỗi năm kết nạp trên 2.000 đảng viên. Đến hết nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2001 – 2005), tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh có trên 38.000 đảng viên.

Giai đoạn 2006 – 2010

Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006 – 2010) đạt 10,45%, bình quân thu nhập đầu người đạt 820 USD; kim ngạch xuất nhập khẩu địa bàn tăng bình quân hằng năm 30%; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 16,8%; làm mới, cải tạo và nâng cấp được 358km đường các loại; độ che phủ rừng năm 2010 đạt 49,1%.

Người dân huyện Lộc Bình bê tông hóa đường giao thông nông thôn (năm 2010)-Ảnh: Vũ Như Phong

Người dân huyện Lộc Bình bê tông hóa đường giao thông nông thôn (năm 2010)-Ảnh: Vũ Như Phong

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyến biến tiến bộ: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17,85% năm 2009; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 5,2% năm 2005 xuống dưới 4% năm 2010; đến hết năm 2010 đạt 8 bác sỹ/1 vạn dân, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 29% năm 2005 xuống còn 19,5% năm 2010; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2006; đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2008; có thêm 51 trường công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia đến hết năm 2010 là 84 trường.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Trong nhiệm kỳ, kết nạp được 11.337 đảng viên, đạt 113,3% chỉ tiêu, toàn Đảng bộ có 16 đảng bộ trực thuộc; có 754 tổ chức đảng cơ sở. Đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh XIV (2006 – 2010), tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh có 47.531 đảng viên.

Giai đoạn 2010 – 2015

Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu để Lạng Sơn cơ bản đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, đạt được những kết quả quan trọng:

Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân hằng năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8,65%; thu nhập bình quân đầu người (GDP) năm 2015 đạt 34,76 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng trưởng khá, năm 2015 đạt 3.500 triệu USD; năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 1.950 doanh nghiệp; bình quân lương thực đầu người năm 2015 đạt 402kg; độ che phủ rừng đạt 54,5%; đến hết năm 2015 có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản với hệ thống siêu thị AEON Fivimart Hà Nội (Năm 2015) -Ảnh: Vũ Như Phong

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản với hệ thống siêu thị AEON Fivimart Hà Nội (Năm 2015) -Ảnh: Vũ Như Phong

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyến biến: hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 130 trường đạt chuẩn quốc gia; 8,7 bác sỹ và 25,8 gường bệnh/1vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 11,9% năm 2015; 97,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; có 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 97% cư dân đô thị được dùng nước sạch; có 23 xã đạt bộ tiêu chí về chuẩn nông thôn mới.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ được nâng lên. Đảng bộ tỉnh có 798 tổ chức cơ sở đảng, 3.572 tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở. Đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI (2010 – 2015), tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh có trên 55.700 đảng viên. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ năm 2015 đến nay

Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người đạt 44,5 triệu đồng; có gần 3.000 doanh nghiệp của cả nước thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn bình quân hằng năm tăng 6,1%; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%; tỷ lệ mật độ che phủ rừng đạt 63%. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, có hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.

Thực hiện Nghị quyết số 818/NQ-UBTVQH, ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn”. Sau sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh Lạng Sơn có 200 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 200 đảng bộ xã, phường, thị trấn. Ngày 25/3/2019, thành phố Lạng Sơn được Chính phủ công nhận là đô thị loại II.

Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp – xây dựng 24,4%, dịch vụ 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%; bình quân thu nhập đầu người (GRDP) đạt 51,72 triệu đồng; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đến tháng 12/2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng được 350km đường bê tông giao thông nông thôn; Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 7,09%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khảo sát thực tế tình hình xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (năm 2022)-Ảnh: Vũ Như Phong

Bộ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khảo sát thực tế tình hình xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (năm 2022)-Ảnh: Vũ Như Phong

Tổng thu ngân sách nhà nước hoàn thành dự toán giao đầu năm, đạt 7.909,87 tỷ đồng, đạt 100,76% dự toán, giảm 27,72% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 13.822 tỷ đồng, đạt 115,06% dự toán, tăng 9,22% so với cùng kỳ.

Tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ước đạt 3,5 triệu lượt khách; số trường đạt chuẩn quốc gia là 269 trường; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,40%; 180/200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định của Trung ương của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Tính đến 12/12/2022, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 2.171 đảng viên, đạt 108,55% so với chỉ tiêu đề ra, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh lên 68.942 đảng viên. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ các khâu đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí sử dụng cán bộ. Hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 -2025 (2021 -2026) năm 2022 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 -2030 (2026 -2031). Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền; xây dựng mô hình “Dân vận khéo…

Một góc thành phố Lạng Sơn hôm nay – Ảnh: Đặng Lâm

Một góc thành phố Lạng Sơn hôm nay – Ảnh: Đặng Lâm

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vững chắc về mọi mặt. Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt và chủ động vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững tình hình đặc điểm của tỉnh để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương phù hợp với thực tiễn của tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

(Hết)

[Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển (bài 5)]

T.S

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/585270-dang-bo-tinh-lang-son-90-nam-xay-dung-va-phat-trien-bai-6.html