Đảng bộ tỉnh Quảng Trị - 95 năm truyền thống vẻ vang. Bài 5: Đảng bộ Quảng Trị góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: 'Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ'. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị cùng cả nước nhất tề đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tháng 11/1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II khai mạc tại Khe Su (xã Triệu Nguyên). Đại hội chỉ rõ: Thủ đoạn chủ yếu của địch để bình định vùng đồng bằng nông thôn là càn quét, chà đi xát lại quyết liệt. Vấn đề đặt ra trước mắt của Đảng bộ là phải lãnh đạo Nhân dân vừa biết đánh giặc để sản xuất, xây dựng cuộc sống, vừa biết kiên quyết đánh giặc, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh bại các cuộc càn quét của chúng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II và hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946, các hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội đều có sự chuyển biến tích cực, tạo ra bầu không khí hồ hởi, phấn khởi kháng chiến trong Nhân dân, nhất là ở các vùng chiến khu, tiền chiến khu, căn cứ chợ Cạn.
Về phía địch, sau thất bại ở chiến trường Việt Bắc trong Thu - Đông 1947, giặc Pháp tập trung lực lượng càn quét dữ dội vùng Bình - Trị - Thiên nói chung, ở Quảng Trị nói riêng. Đầu năm 1948, giặc Pháp liên tục mở các đợt tiến công vào các chiến khu: Thủy Ba Thượng (Vĩnh Linh), Cẩm Phổ (Gio Linh), Cùa (Cam Lộ), Hòn Linh - Khe Mương (Hải Lăng), Hướng Linh (Hướng Hóa). Ở chợ Cạn, ngày 13/3/1948, giặc Pháp vây bắt, xả súng giết trên 600 người dân vộ tội, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em và đốt cháy hơn 400 nóc nhà. Trong ba ngày 17, 18, 19/3/1948, giặc Pháp đã giết 1.333 người dân vùng Triệu - Hải.
Để trả thù cho hàng ngàn đồng bào yêu nước của ta đã bị địch giết hại, bộ đội địa phương, dân quân, du kích đã đánh địch nhiều nơi, chống càn có hiệu quả. Tiêu biểu là trận chống càn ở Đồng Dương (Hải Lăng), Hướng Linh (Hướng Hóa)... Trong năm 1948, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Quảng Trị đã đánh 92 trận, trong đó có 12 trận phối hợp với bộ đội chủ lực Trung đoàn 95, 77 trận độc lập tác chiến, giết chết, làm bị thương, bắt sống và ra đầu hàng 1.005 tên địch, thu, phá hủy 32 súng các loại, phá hủy 30 xe vận tải, đánh chìm 4 thuyền...
Tháng 5/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 đánh giá và khen ngợi Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã bám sát Nhân dân, giữ vững cơ sở, chiến đấu dũng cảm. Thắng lợi đã giành được trong 2 năm (1947-1948) ở Quảng Trị trước hết là do tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân trong tỉnh.
Trong hoàn cảnh bị giặc Pháp khủng bố, tàn sát cực kỳ dã man và bị đói rét, thiếu thốn, bộ đội ta vẫn bám sát Nhân dân, được Nhân dân che chở và hết lòng giúp đỡ, nên đã đánh thắng giặc nhiều trận, tiêu diệt được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí của chúng để tự trang bị cho mình và ngày càng có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu.
Mặt khác, phong trào dân quân, du kích ngày càng phát triển. Bộ đội, cán bộ, dân quân, du kích cũng như toàn thể đồng bào trong tỉnh ngày càng trưởng thành trong lò lửa chiến tranh, dốc sức cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước phát triển mới.
Quảng Trị đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, chuẩn bị lực lượng chuyển sang tổng phản công (1949-1951)
Từ ngày 20 đến ngày 25/3/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được triệu tập tại chiến khu Ba Lòng. Đến dự đại hội có 82 đại biểu chính thức.
Đại hội đề ra nhiệm vụ trung tâm trong thời gian tới và công tác trong năm 1949 là: Phát triển chiến tranh nhân dân; huấn luyện trang bị cho lực lượng bộ đội tập trung đủ sức đánh những trận lớn trong tổng phản công; củng cố kiện toàn chính quyền của ta, bóp chết chính quyền địch, tổ chức bao vây kinh tế địch, xây dựng nền kinh tế của ta; vừa đối phó với địch, gây lòng căm thù địch, vừa xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Chính quyền, quân, dân Quảng Trị được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã tổ chức trận địa đánh địch nhiều nơi, gây cho địch nhiều thiệt hại, tiêu biểu là đánh địch ở Nguồn Rào, giải phóng Bắc Hướng Hóa ngày 18/7/1949; đánh địch từ Mỹ Chánh xuống giải tỏa cho bọn lính ở đồn Ưu Điềm, lần đầu tiên trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, quân ta tiêu diệt được xe bọc thép lội nước của địch...
Tỉnh đội Quảng Trị phát động “tuần lễ địa lôi”, “tuần lễ rào làng”, “tuần lễ phá hoại” trong toàn tỉnh. Bộ đội địa phương và dân quân, du kích phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tiến công vị trí Thanh Lê, Như Lý, Dốc Miếu, Cửa Tùng, Nhan Biều, An Đôn; phá đoạn Quốc lộ 1 ngang qua Vĩnh Linh và các tỉnh lộ.
Từ ngày 25/4 đến ngày 6/5/1950, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV tổ chức ở chiến khu Ba Lòng. Đánh giá tình hình, đại hội thống nhất: “Trong năm qua, quân và dân trong tỉnh đã cố gắng lập được nhiều thành tích trên các mặt quân sự, trừ gian, phá hội tề, huy động được sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Ta càng kháng chiến, chính quyền cách mạng càng thêm vững chắc. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta có thêm kinh nghiệm, biết chủ động công việc, đối phó kịp thời với mọi âm mưu, thủ đoạn mới của địch”.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Quảng Trị trong năm 1950 đã đánh 202 trận đánh lớn nhỏ, trong đó có một số trận gây cho địch nhiều thiệt hại về lực lượng và phương tiện chiến tranh như trận đột nhập vào thị xã Quảng Trị diệt 309 tên địch, phá 36 xe cơ giới...
Thực hiện sắc lệnh Tổng động viên của Chính phủ ban hành ngày 12/3/1950, quần chúng khắp nơi sôi nổi hưởng ứng. Tính riêng trong đợt phát động từ 19/5 đến 2/9/1950, toàn tỉnh đã có 6.524 thanh niên ghi tên tòng quân và kết quả đã có trên 1.500 người được tuyển chọn tân binh; 14.857 người đi dân công vận tải phục vụ ở các mặt trận.
Sau chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950), giặc Pháp lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Chính phủ Pháp cử tướng Đờ Lát đơ Tátxinhi sang làm tổng chỉ huy kiêm cao ủy Pháp tại Đông Dương. Chúng tăng thêm quân và được Mỹ tăng cường viện trợ, hòng cứu vãn tình hình ngày càng xấu đi.
Đứng trước những diễn biến tình hình trong nước và địa phương, ngày 6/1/1951, Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị bàn về việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương và chiến tranh du kích.
Nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, Bộ chỉ huy Pháp mở trận càn lớn vào vùng Thanh Hương - Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên), huy động trên 2.200 quân ứng chiến tinh nhuệ có pháo binh, công binh, cơ giới và máy bay yểm trợ. Trong 3 ngày (10/3 đến 12/3/1951), quân và dân Quảng Trị đã chủ động đánh địch từ Phương Lang, Cổ Lũy đến Diên Khánh (Hải Lăng), phối hợp với Trung đoàn 101 (Thừa Thiên) tiêu diệt tháp canh Thanh Hương. Trận càn của địch đã bị bẻ gãy. Bằng chiến thuật cơ động nhanh, kết hợp chặt chẽ giữa phản kích, đột kích, tập kích với tinh thần làm chủ trận địa, quân ta đã đánh bại từng cánh quân của địch. Với bước trưởng thành của quân và dân địa phương, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi.
Triển khai chỉ thị kế hoạch tác chiến mùa đông, lực lượng vũ trang trong tỉnh được sự phối hợp, giúp đỡ của các trung đoàn chủ lực liên tục mở các trận phục kích đánh địch trên các trục đường quan trọng, diệt các toán địch đi sửa đường, bức địch phải rút một số vị trí lô cốt: Ái Tử, chợ Cạn (Triệu Phong), Lại An (Gio Linh), Tân Điền (Hải Lăng)..., các lô cốt số 6, số 7 (đường 9 - Cam Lộ). Nhờ vậy, ta đã giam chân lực lượng ứng chiến của địch ở địa bàn Bắc Thừa Thiên và Quảng Trị, góp phần phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.
Thắng lợi về quân sự của ta trong Thu - Đông 1951 buộc địch phải co cụm lại, vùng căn cứ của ta được mở rộng. Bước trưởng thành của Đảng bộ và quân dân Quảng Trị đã tạo ra sức mạnh to lớn để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới vô cùng ác liệt nhưng cũng hết sức vẻ vang.
Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1952-1954)
Từ giữa năm 1952, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành chỉnh huấn, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hành cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm, quân và dân Quảng Trị đã giành được nhiều thành tích về quân sự, chính trị, kinh tế - xã hội trong Đông - Xuân 1952- 1953.
Bước vào năm 1953, địch kết hợp chặt chẽ các mặt hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế với quyết tâm thực hiện cho kỳ được âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Từ Đông - Xuân 1953-1954, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân dân ta anh dũng chiến đấu bẻ gãy trận càn với quy mô lớn mang tên “Cuộc hành binh Camagơ” đánh vào căn cứ du kích đồng bằng 4 huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị), Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên). Ngày 5/8/1953, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh rút quân, kết thúc cuộc càn. Hơn 450 binh lính và sĩ quan địch bị tiêu diệt và bắt sống. Nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh bị phá hủy. Tuy nhiên, địch cũng gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của.
Thời gian từ cuối năm 1953 đến tháng 7/1954, địch cố sức mở các trận càn lớn nhỏ liên tục vào các khu căn cứ, khu du kích, vùng tạm chiếm để tiêu diệt thực lực cách mạng, cướp của, bắt lính, nhưng tất cả các cuộc càn của địch đều bị quân và dân tỉnh ta anh dũng chống trả quyết liệt. Phối hợp chặt chẽ với quân, dân tỉnh Thừa Thiên, Quảng Bình, quân và dân Quảng Trị trong Đông - Xuân 1953-1954 đã liên tiếp tiến đánh địch, buộc chúng phải lúng túng đối phó.
Mặc dù đang trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, thiên tai, địch họa, đói kém, nhưng quân và dân Quảng Trị vẫn một lòng đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hăng hái chiến đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến trường phụ do Trung ương giao phó, đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Hạ Lào (12/1953), phục vụ chiến dịch Trung Lào (đầu năm 1954), phối hợp đắc lực với chiến trường chính - chiến trường Bắc Bộ - Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5/1954, quân và dân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta bước sang một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.
Thu Hà - Châu Minh
Kỳ 6: Quảng Trị sau Hiệp định Giơ- ne- vơ