Đảng bộ xã Lóng Phiêng lãnh đạo phát triển kinh tế

Cùng với tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã tăng cường lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để mở rộng các loại hình sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Vườn nhãn chín muộn của người dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Vườn nhãn chín muộn của người dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Đồng chí Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, cho biết: Đảng bộ xã có 290 đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ trực thuộc. Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, Đảng bộ xã xác định phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cũng là khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đảng bộ xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ đạo các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã lựa chọn xây dựng các mô hình sản xuất để bà con được trực tiếp tham gia, từ đó nhân rộng áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, chọn một số bản làm điểm cải tạo vườn tạp, chiết ghép cây nhãn chín muộn, xoài, mận hậu; trồng mới các loại cây có giá trị thay thế cây ngô, cây sắn trên đất dốc. Hiện, toàn xã có 1.180 ha cây ăn quả, sản lượng các loại quả gần 5.000 tấn/năm; trong đó chủ yếu là nhãn, xoài, chuối, tập trung ở các bản: Pha Cúng, Yên Thi, Pa Sa...; mận hậu, chanh leo ở các bản tái định cư Quỳnh Liên, Quỳnh Phiêng, Nong Đúc...

Chi bộ bản Pha Cúng là một trong những chi bộ thực hiện tốt công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Đồng chí Vì Văn Khuyên, Bí thư chi bộ chia sẻ: Trước đây, nhân dân trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất đồi, thu nhập bấp bênh; bản có trên 70% số hộ nghèo và cận nghèo. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, Chi bộ bản vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa; tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp, ghép nhãn, xoài giống mới trên các gốc cây ăn quả lâu năm; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng. Hiện, 100% hộ dân trong bản trồng cây ăn quả, với tổng diện tích trên 150 ha. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều gia đình trong bản có thu nhập từ 250-500 triệu đồng/năm, thậm chí có hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Đến thăm mô hình trồng nhãn, xoài ghép của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, bản Pha Cúng, với diện tích 12 ha. Chị Duyên chia sẻ: Qua học hỏi kinh nghiệm cùng với tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện về ghép mắt, cải tạo vườn cây của gia đình đã cho sản lượng cao. Vụ vừa rồi, thu 130 tấn nhãn, 30 tấn xoài, trị giá 960 triệu đồng.

Còn tại bản tái định cư Quỳnh Phiêng, sau hơn 13 năm chuyển từ huyện Quỳnh Nhai về, 67 hộ dân của bản cũng đã vượt qua khó khăn ổn định sản xuất và làm giàu trên quê mới. Anh Hoàng Văn Phó, Bí thư chi bộ bản phấn khởi, nói: Vài năm trở lại đây, đời sống của người dân có nhiều thay đổi là nhờ mạnh dạn tận dụng lợi thế đất đồi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa. Không chỉ vận động mở rộng diện tích trồng mà bản còn khuyến khích người dân sản xuất miến dong nâng cao thu nhập. Cả bản hiện có 25 ha dong riềng, 100% hộ trong bản đều sản xuất miến dong, cả bản chỉ còn 6 hộ nghèo.

Chị Điêu Thị Màu là một trong những đảng viên tiên phong trong trồng và chế biến miến dong của bản Quỳnh Phiêng. Chị Màu chia sẻ: Năm 2019, tôi đã chuyển đổi 1 ha đất nương sang trồng dong riềng lấy củ và sản xuất miến dong. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất hơn 20 kg miến. Tính từ đầu vụ đến giờ, gia đình đã làm được trên 10 tạ miến, với giá trung bình từ 85-95.000 đồng/kg, cho thu nhập gần 90 triệu đồng.

Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, chăn nuôi trên địa bàn xã cũng có bước phát triển. Đến nay, toàn xã có hơn 2.000 con trâu, bò; 7,5 ha mặt nước nuôi cá; có 2 trang trại lợn quy mô 1.000-2.000 con và 15 mô hình nuôi từ 50-300 con. Người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, gắn với trồng cỏ tại tất cả 12 bản. Bên cạnh đó, nhằm đa dạng các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã đã khuyến khích người dân phát triển thương mại, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Với 15 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một nâng lên; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 27%. Hệ thống chính trị được củng cố, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhiều năm liền, Đảng bộ xã được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dang-bo-xa-long-phieng-lanh-dao-phat-trien-kinh-te-50951