Đảng bộ xã Tô Múa lãnh đạo phát triển kinh tế
Những năm qua, cùng với làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, Đảng bộ xã Tô Múa, huyện Vân Hồ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, chăm sóc, trồng mới các loại cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đồng chí Hà Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã có 297 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ. Hàng tháng, Đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên về dự sinh hoạt với các chi bộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp trong lãnh đạo phát triển kinh tế.
Chúng tôi về bản Liên Hưng khi nhân dân trong bản đang vào vụ thu hoạch lứa chè xuân, trên các sườn đồi trải dài một màu xanh của cây chè. Ông Nguyễn Văn Đạt, Bí thư Chi bộ bản thông tin: Với điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, cây chè là loại cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con trong bản. Chi bộ, Ban quản lý bản đã tích cực tuyên truyền người dân áp dụng sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình trồng và chăm sóc chè không sử dụng phân bón hóa học, mà chủ yếu dùng phân hữu cơ, xử lý đất bằng công nghệ sinh học; nâng cao chất lượng, sản lượng chè. Cả bản hiện có 76,7 ha chè, năng suất đạt 13 tấn/ha, từ nhiều năm nay, sản phẩm chè Tô Múa đã khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Bám sát nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, các chi bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vận động người dân thâm canh tăng vụ. Nhiều đảng viên tiên phong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giống mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các đảng viên làm kinh tế giỏi tiêu biểu, như: Đào Văn Cường, Lường Văn Khía, với mô hình nuôi đại gia súc nhốt chuồng; Đinh Văn Hiệp trồng 3 ha chè và cây ăn quả; Đặng Văn Hếnh chuyển từ trồng ngô sang cây gai xanh và vận động người dân trong bản trồng 4 ha cây gai xanh; Lường Văn Thái trồng bí lấy hạt... Đặc biệt, ở Chi bộ bản Lắc Mường có đảng viên Lường Thị In điển hình làm kinh tế giỏi của bản. Với 3,5 ha cây chè, 2 ha cây ăn quả, 12 con trâu, bò; thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/năm. Chị Lường Thị In chia sẻ: Là đảng viên, tôi luôn gương mẫu, dám nghĩ, dám làm và tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Sự gương mẫu, tiên phong của các đảng viên đã tạo động lực, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền xã. Đến nay, bà con trong xã thâm canh 478 ha chè, sản xuất hơn 80 ha lúa, gần 440 ha ngô, 125 ha rau màu các loại; trồng 210 ha bơ, bưởi da xanh, chanh leo, nhãn ghép... Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, như: Mô hình nuôi bò nhốt chuồng, nuôi lợn thịt, lợn sinh sản; liên kết với Tập đoàn An Phước triển khai mô hình trồng cây gai xanh AP1... từng bước nâng cao thu nhập. Thành lập 2 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; hiện, các tổ chức hội, đoàn thể trong xã nhận ủy thác từ các ngân hàng trên 25,6 tỷ đồng cho hàng trăm hội viên, đoàn viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%.
Đồng chí Hà Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết thêm: Trên địa bàn xã Tô Múa hiện có hơn 2.000 cây chè cổ thụ, qua khảo sát, đánh giá, Hội đồng Cây di sản Việt Nam khảo sát đã lựa chọn 105 cây đủ điều kiện công nhận cây di sản Việt Nam, số cây còn lại cũng được đưa vào tổng thể vùng cây chè cổ thụ cần được gìn giữ, bảo tồn. Việc cây chè cổ thụ của xã được công nhận là cây di sản Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên người dân thêm gắn bó với cây chè, tích cực bảo tồn, phát triển các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ. Đảng bộ xã đang chỉ đạo UBND xã phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ, tạo điểm nhấn phát triển du lịch, góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho người dân.