'Đẳng cấp trường tư' và những ứng xử khác nhau về phí ghi danh, giữ chỗ
Hiện nay nhiều trường tư thục ở Hà Nội không còn thu tiền phí giữ chỗ, ghi danh. Đây là những trường nằm ở Top đầu được phụ huynh và học sinh lựa chọn theo học.
Bài liên quan
Chưa học ngày nào mất... 13 triệu đồng
Tăng học phí "phi mã" bất thành, Trường Lômônôxốp phải hạ học phí
Câu chuyện, học sinh chưa học một ngày nào nhưng đã mất… 13 triệu đồng tại trường Liên cấp Tiểu học, THCS Ngôi Sao (Hà Nội) đã tạo ra dư luận trái chiều.
Trong đó có những ý kiến cho rằng nhà trường thu như vậy là chưa hợp lý. Nếu nhà trường không trả lại phí ghi danh, giữ chỗ thì còn thông cảm được. Đằng này thu luôn các khoản tiền phụ huynh đã nộp là khó chấp nhận.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã tìm hiểu về chủ trương của một số trường tư tại Hà Nội. Theo đó, hiện trên địa bàn Hà Nội các trường tư có ứng xử khác nhau về phí ghi danh, giữ chỗ.
Trường học ngoài quyền lợi của mình cần phải nghĩ tới quyền lợi của phụ huynh, học sinh (ảnh TL).
Có trường thu nhưng có nhiều trường lại không thu và luôn được đăng công khai để phụ huynh học sinh biết.
Mục đích của thu phí giữ chỗ đối với các nhà trường là để phụ huynh nghiêm túc hơn trong việc đăng ký cho con theo học.
Khi một học sinh đăng ký nhưng sau đó vì bất cứ lý do nào không theo học tại trường thì mất khoản phí này.
Tuy nhiên, có những trường không thu bất cứ phí ghi danh, giữ chỗ nào của phụ huynh.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng của Trường Marie Curie cho rằng, suốt 30 năm nay nhà trường không thu phí giữ chỗ.
Nhiều khoản thu Trường liên cấp Tiểu học, THCS Ngôi Sao Hà Nội thu tiền của học sinh chưa trả lại (ảnh TL).
Nếu học sinh nào đến nhập học, sau đó vì lý do nào đó phải chuyển trường thì nhà trường sẽ trả lại tất cả các khoản thu.
Tại Trường Lương Thế Vinh Hà Nội, nhà trường từng thu phí giữ chỗ nhưng đến nay trường không còn thu. Khoản phí này không làm giàu cho nhà trường mà lại khiến phụ huynh phản đối.
Bên cạnh những mô hình nói không với phí giữ chỗ, thì vẫn có trường tư thu khoản phí này.
Đơn cử như Trường Tiểu học Newton (Hà Nội, cuối năm học 2019 -2020 trường này đã ra một văn bản yêu cầu phụ huynh phải nộp phí giữ chỗ.
Phí ghi danh, giữ chỗ luôn tạo ra mâu thuẫn giữa nhà trường và nhiều phụ huynh (ảnh nguồn internet).
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận về tính pháp lý liên quan đến việc nhà trường không trả lại tiền học phí trong khi học sinh không học buổi nào, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng như vậy là không phù hợp.
Theo đó, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Việc tạo lập một giao dịch dân sự cũng phải đảm bảo các điều kiện và hình thức giao dịch dân sự được quy định trong pháp luật hiện hành.
Việc cho các cháu đi học và đóng học phí cũng là một loại của giao dịch dân sự. Khi hợp đồng dịch vụ này có hiệu lực mà một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng do nhận thấy mục đích khi giao kết không đạt được, việc hoàn lại tiền dịch vụ được thực hiện tùy theo nội dung hợp đồng và các quy định sau:
Căn cứ Điều 119 Bộ luật dân sự thì giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, do đó, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ cần chứng minh được bạn đã có hành vi trả tiền dịch vụ trước đó (không nhất thiết phải có giấy tờ chứng minh việc đóng học tiền học).
Căn cứ Điều 520 Bộ luật Dân sự về Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ thì trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý;
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại”.
Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: “Do vậy, khi đã đóng tiền học cho nhà trường nhưng bố mẹ chuyển công tác nên cháu không thể theo học tại trường.
Khi nhận thấy việc tiếp tục học sẽ không có lợi cho con mình, mục đích được nhận định khi xác lập hợp đồng không được đảm bảo, trong trường hợp này, hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà chỉ phải thông báo cho bên trường về việc chấm dứt đó, không phải bồi thường, chỉ phải trả phí cung cấp dịch vụ của phần mà cháu đã hưởng.
Và, hơn thế nữa, trong trường hợp này nhà trường linh động gửi lại cho gia đình cháu vì đây cũng là nguyên nhân khách quan”.
Qua trao đổi với luật sư có thể thấy chưa học ngày nào thì không phải mất học phí.