Đang có một 'Việt Nam khác' khi tham gia giao thông

Năm mới 2025 đã bắt đầu khi chúng ta thấy quang cảnh giao thông ở Việt Nam thật lạ lùng. Ra đường không còn ai vội vượt đèn đỏ, kể cả những người hành nghề xe ôm, giao hàng vốn ngày thường dễ bất tuân mọi đèn tín hiệu. Xe cộ xếp hàng đều tăm tắp trước vạch dừng…

Dòng người ăn mừng AFF Cup 2024 và văn minh giao thông. (Ảnh: H.L)

Dòng người ăn mừng AFF Cup 2024 và văn minh giao thông. (Ảnh: H.L)

Khi mức phạt “đau ví” là cần thiết

Hơn một tháng qua, trên báo chí và các trang mạng xã hội ngập tràn những “hình ảnh lạ” về bức tranh giao thông, với những ngã tư đường phố không có người vượt đèn đỏ, các phương tiện tham gia giao thông đỗ xe đều tăm tắp trước vạch kẻ đường, không có xe đi ngược chiều, xe chạy trên vỉa hè, xe đi lùi trên cao tốc… Đây là hiệu ứng tích cực từ những quy định rất nghiêm khắc, những mức phạt được cho là “rất mạnh tay” của Nghị định 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy chưa có thống kê cuối cùng, nhưng những chuyển biến tích cực này trong ý thức của người tham gia giao thông chắc chắn góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm số vụ tai nạn và những thiệt hại đau lòng.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về mức phạt mới là cao quá so với thu nhập và nhiều người có thể vô tình vi phạm chứ không chủ đích, nhưng về cơ bản nếu xét trên phương diện cả xã hội, thì những quy định mới đang rất hiệu quả. Đơn cử, trước đây, mỗi lần chúng ta vô địch một trận cầu lớn, người dân đổ ra đường là mọi thứ hỗn loạn, không còn ý thức về cái đèn nào, vạch kẻ nào, thậm chí làn đường ngược xuôi cũng thành “một chiều”. Nhưng trong đêm đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2024 những ngày đầu năm mới vừa qua, hàng triệu người cùng đổ ra đường reo hò cổ vũ mừng đội tuyển vô địch với xe máy, ô tô, xe đạp, người đi bộ nhuộm một màu đỏ khắp mọi nẻo. Trong không khí ấy, hình ảnh khiến chúng ta cùng vô cùng xúc động là mọi phương tiện đều dừng ngay ngắn trước vạch kẻ tại ngã tư khi đèn giao thông đang đỏ. Đoàn người cùng nhau đếm ngược đèn đỏ, và khi về tới 2... 1... 0, xe cộ ào ào lao đi cùng những tiếng hô vang "Việt Nam vô địch".

Cùng với đó, trên các diễn đàn xã hội, nhiều người đã có những góc nhìn khác nhau về câu chuyện giao thông Việt theo Nghị định 168. Anh Hoàng Huy, một doanh nhân trẻ sống tại TP HCM chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, khi đang ở London, có một lần nhờ một anh bạn chở ra sân bay lúc 4h sáng, đi qua ngã tư, bốn phía đều chắc chắn không có một bóng người chứ đừng nói đến bóng xe, đèn đỏ 60 giây, anh bạn vẫn bình tĩnh dừng xe đợi.

Từ đầu năm tới giờ, ngủ dậy sau một đêm, Sài Gòn như “lột xác một phần” thành Singapore về khoản giao thông. Chẳng mấy ai dám vượt đèn đỏ, dám leo lề nữa, ý thức chấp hành giao thông tốt hẳn lên, có “đi bão” thì cũng… bão trong khuôn khổ. Chắc nhiều tỉnh, thành phố khác cũng vậy. Không phải là phép màu hay ông bụt nào hiện lên hóa độ cho ý thức người dân tự nhiên tốt lên, mà là do Nghị định 168 mới có hiệu lực từ 1/1/2025 với những mức phạt vi phạm giao thông “chỉ nghĩ đến thôi là đau đớn lòng”…

Thế nhưng, đường tắc hơn, kẹt xe hơn, dần dần trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến đã “đổ thừa” tội vạ cho…. Nghị định mới. Do phạt nặng nên không ai dám vượt đèn vàng, không dám đi lên vỉa hè, dẫn đến… đường tắc. Anh Hoàng Huy bày tỏ: “Theo tôi, đó là một cách tiếp cận vấn đề không hợp lý và rất… buồn cười. Tắc đường có trăm ngàn lý do: đường sá nhỏ hẹp mà dân đông, xe cá nhân nhiều, phương tiện công cộng chưa tiện lợi, ý thức chấp hành của người dân chưa cao…, sao lại đổ hết tại Nhà nước phạt nặng. Nghị định tác động đến ý thức người tham gia giao thông chứ không có nghị định nào làm cho đường từ 2 làn thành 6 làn sau một đêm được. Cải thiện tình hình giao thông ở Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều phương diện khác nhau và cần thời gian. Nhiều người than phạt cao quá, rồi phân tích tương quan đến mức lương - thu nhập. Phạt cao là đúng, bởi hình phạt là để mang tính răn đe để người ta sợ mà chấp hành, không vi phạm chứ không phải một mức phạt “vừa túi tiền” (affordable) để lỡ vi phạm thì vui vẻ móc ra nộp rồi xin hứa với các anh lần em sau… vẫn thế. Nói chung, ngại nhất là tắc trong tư duy chứ không phải tắc đường. Kỷ nguyên vươn mình, trước khi vươn mình, chúng ta đứng dậy cái đã, đứng dậy trong tư duy và bước đi cùng nhịp sống mới”.

Kiên nhẫn là một yêu thương

Chị Hồ Thu, một cô giáo tiếng Anh chia sẻ, thật trùng hợp, trong lớp học, theo lịch trình, học sinh được yêu cầu trả lời câu hỏi thi IELTS: Hãy tả một luật tốt ở nước bạn. Các học sinh ở lớp học của chị đều chọn trả lời về Luật Giao thông mới ở Việt Nam được ban hành nhằm giải quyết một số vấn đề quan trọng và cải thiện an toàn đường bộ nói chung. Điều này khiến chị thực sự ngạc nhiên và đặt thêm câu hỏi: Vì sao em lại chọn nói về luật này? Các em trả lời: Vì nó tốt ạ!

Và cô trò cùng thảo luận, những lý do chính sau việc thực hiện là: Tỷ lệ tai nạn giao thông cao, đô thị hóa gia tăng và sử dụng phương tiện… Nói tóm lại, luật mới là phản ứng chủ động trước những thách thức giao thông ngày càng gia tăng, tập trung vào việc giảm thiểu tai nạn, cứu sống và thúc đẩy môi trường lái xe an toàn hơn. “Tôi tin rằng mọi thứ cuối cùng sẽ được cải thiện khi mọi người sớm nhận ra sự cần thiết của những biện pháp này. Tai nạn sẽ giảm, tỷ lệ tử vong sẽ giảm và giao thông sẽ trở nên trật tự hơn. Nhìn những tấm ảnh ô tô mà đi như nêm cối thì đường nào mà không tắc. Nhìn tấm ảnh này tôi chợt nghĩ đến Hồng Kông (Trung Quốc) hay Bali, nơi những con đường chỉ hẹp như Hàng Ngang, Hàng Đào nhưng những chiếc xe buýt vừa lớn, vừa dài mà vẫn đi khéo léo, trong khi cả tuần không một tiếng còi xe. Vừa ngạc nhiên, vừa ngưỡng mộ suy ngẫm một chút mới biết, người ta cứ hàng 1 tuần tự như tiến mà đi thế là giao thông trôi ngon”.

Theo chị Hồ Thu, những người ở các khu vực thành thị sai phạm có thể phạt ngay. Còn “đặc biệt” như vùng sâu, vùng xa, nông thôn đã bị phạt thì có thể treo nợ cũ như một sự nhắc nhở để họ không tái phạm. Các nhà quản lý nên chăng cũng tạo ra một phần mềm quản lý để các "ca đặc biệt” đó với tên, số CCCD trong mạng lưới quản lý để nếu họ tái phạm lần thứ hai thì sẽ không treo nợ nữa…

Kiên nhẫn khi tham gia giao thông là yêu thương chính mình. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Kiên nhẫn khi tham gia giao thông là yêu thương chính mình. (Ảnh minh họa - Nguồn: ST)

Ở góc độ khác, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ, kiên nhẫn chờ đèn xanh bật mới đi là yêu thương mạng sống của mình và cả túi tiền của mình: “Trước tôi hằng nghĩ: Kiên nhẫn là một tính cách bẩm sinh. Nhưng sống đủ lâu tôi nhận ra: Kiên nhẫn là một yêu thương. Phải là rất yêu, rất thương người ta mới có thể tặng nhau sự kiên nhẫn vậy. Kiên nhẫn thực sự là một yêu thương!”

Thời của Tiktok 30s, danh tác rút gọn, tin nhắn “xóa sổ” thư tay, nghe nhìn thay vì đọc viết, nên kiên nhẫn thực sự ngày càng hiếm hoi và ít ỏi. Thời của thức ăn nhanh, thời trang nhanh, quẹt Tinder ra người yêu thì chậm là trễ, người ta dễ sốt ruột hơn bao giờ hết. 3 giây đèn đỏ cũng thành lửa đốt trong lòng, đến nỗi, ở các ngã tư người ta luôn rút điện thoại ra, trong thang máy, ai cũng dán mắt vào điện thoại. Ai cũng tiếc vài giây trống, cũng muốn tận thu, tận dụng. Để rồi kiên nhẫn mất dần đi lúc nào không hay. Để rồi đời mình lúc nào cũng chộn rộn, cũng ngổn ngang trăm mối. Ta nhồi nhét vào đời ta quá nhiều vì ta sợ bỏ lỡ, sợ những giây chết trắng.

“Kiên nhẫn là một yêu thương, tôi nghĩ vậy. Là yêu thương chính bản thân mình trước nhất. Như kiên nhẫn chờ đèn xanh bật mới đi là yêu thương mạng sống của mình. Trước Nghị định 168, còn là yêu thương túi tiền của mình nữa. Sâu xa hơn, thử nghĩ mà coi, kiên nhẫn cho ta rất nhiều, chỉ là vì đời vội vã quá mà tự ta bỏ lỡ. Giá mà ta biết chậm lại, kiên nhẫn hơn”, theo nhà văn Hoàng Anh Tú.

Kiên nhẫn là một món quà yêu thương mà ta có thể dành tặng người thân của mình. Như kiên nhẫn nghe cha mẹ già nói chuyện cũng là món quà dành cho họ khi cuộc đời họ cũng chẳng còn ở lại bên ta bao lâu nữa đâu. Như kiên nhẫn với con cái, năm tháng tuổi thơ của con cũng đâu nhiều nhặn gì, 13, 14 tuổi là chúng lại bận rộn đời chúng, bỏ quên ta. Như kiên nhẫn với bạn đời để tới được ngày mây bay khắp tóc còn có nhau.

Chỉ khi ta đủ kiên nhẫn ta mới có được những kiên cường, tạo ra được những kiên định. Kiên nhẫn cần rất nhiều kiên trì và cả những kiên quyết nghiêm khắc với chính bản thân mình. Nên kiên nhẫn thực sự là một hành trình tu tập, một đời chứ không phải một lần, mỗi ngày và từng chút mới thành vậy. Ta cũng cần đến 9 tháng 10 ngày kiên nhẫn trong bụng mẹ mới có thể chào đời, sao ta quên mà sống vội vã, sống sốt ruột quá vậy ta ơi?

Trước đây, nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đều ngạc nhiên vì một số người có thể dành cả buổi để ngồi hàng quán, nhưng họ không thể đợi một phút dừng đèn đỏ. Thậm chí, rất nhiều vụ việc đã xảy ra khi tham gia giao thông như cố tình hành hung dẫn đến những hậu quả đau lòng. Nghị định 168 đã như vạch vôi vô hình giữ người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành luật lệ, dừng bước trước đèn đỏ và tuân thủ các quy định. Thêm những hình phạt nghiêm khắc hơn nữa với các hành vi ngang ngược, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông, là điều dư luận đang rất mong chờ, bởi sẽ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng luật pháp, sự tự giác tuân thủ các quy ước văn minh nơi công cộng và củng cố nét văn hóa trong ứng xử của dân tộc Việt Nam…

Phương Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dang-co-mot-viet-nam-khac-khi-tham-gia-giao-thong-post539284.html