Đảng Cộng hòa 'lật ghế' ở nơi khó ngờ nhất tại New York
Đảng Cộng hòa đã đạt được những thành tựu 'gây sốc' tại các khu nhập cư ở Brooklyn, New York, khi chỉ trích đảng Dân chủ 'mềm mỏng với tội phạm'.
Khi dự đoán về một “làn sóng đỏ” trên toàn quốc trong cuộc bầu cử giữa kỳ, các chuyên gia chính trị không bao giờ tưởng tượng được rằng một trong số ít khu vực chứng kiến hiện tượng này sẽ là phía nam Brooklyn, New York - nơi có số lượng lớn cư dân da màu.
Chính tại khu vực dành cho người nhập cư này, đảng Cộng hòa đã thể hiện vượt trội, tăng 30 điểm so với bốn năm trước. Nhìn chung, họ đã giành đủ số phiếu bầu để lật 3 ghế quốc hội ở phía nam Brooklyn và giúp ứng viên Lee Zeldin ghi nhận thành tích tốt nhất của một đảng viên Cộng hòa trong 28 năm.
Điều này khiến giới tinh hoa chính trị sửng sốt, trong đó có Joe Borelli - ủy viên hội đồng thành phố và là đồng minh lâu năm của cựu Tổng thống Donald Trump.
“Thật khó để tôi dự đoán rằng (đảng Cộng hòa) có thể lật ghế ở những quận này”, ông Borelli nói với Guardian. “Tôi thực sự sốc về những bước tiến của chúng tôi trong việc thu hút cử tri tại đây”.
Chiến lược truyền thông
Các cuộc thăm dò trên toàn tiểu bang cho thấy trong cuộc bầu cử giữa kỳ, cử tri coi tội phạm là vấn đề cấp bách nhất, và miền Nam Brooklyn cũng không phải ngoại lệ.
Giống như phần còn lại của nước Mỹ, tỷ lệ tội phạm giết người ở bang "đế chế" (biệt danh của New York) đã tăng lên từ sau đại dịch Covid-19. Song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với kỷ lục của thành phố vào những năm 1980 và 1990, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, phương tiện truyền thông đã tăng cường đưa tin về tình hình tội phạm ở New York. Vào tháng 7, một báo cáo của Bloomberg cho thấy các tờ báo địa phương như New York Post đã đề cập đến tội phạm bạo lực thường xuyên hơn gấp 6 lần.
Đến tháng 4, vụ xả súng vào hành khách trên toa tàu điện ngầm ở công viên Sunset gây chấn động khu vực lân cận, đặc biệt là với cư dân Mỹ gốc Hoa vốn lo lắng về các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á trong đại dịch.
Dù chính xác hay không, câu chuyện về thành phố New York đang rơi vào vòng xoáy bạo lực dường như mang lại lợi thế cho đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, các đảng viên Dân chủ hàng đầu vẫn mắc kẹt trong một cuộc tranh luận về cách ứng phó, tạo cơ hội cho các đảng viên Cộng hòa như Curtis Sliwa và Lee Zeldin lớn tiếng kêu gọi đối xử khắc nghiệt hơn với những kẻ bị tình nghi phạm tội. Và họ trực tiếp đưa lời kêu gọi đó đến các khu nhập cư ở phía nam Brooklyn, thu hút những cuộc biểu tình lớn.
Tại một quán cà phê ở Bensonhurst, Yiatin Chu, một nhà hoạt động chính trị 55 tuổi, chia sẻ bà là người theo chủ nghĩa tự do nhưng đã “thức tỉnh” trong những năm qua.
Theo bà, những người nhập cư gốc Á từ lâu luôn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì dịch vụ xã hội, nhưng trong những năm gần đây, một số trở nên phẫn nộ với chính sách bảo lãnh và quyết định mở một nhà tù ở Chinatown của cựu Thị trưởng Bill de Blasio.
Bà thậm chí còn tức giận hơn trước đề xuất của ông Blasio về việc chấm dứt kỳ thi tuyển sinh vốn cho phép học sinh Mỹ gốc Á chiếm đa số tại các trường trung học hàng đầu của thành phố.
“Đó là về lợi ích cá nhân và lợi ích gia đình, cộng đồng”, bà Chu nói. Đảng Cộng hòa “ít nhất cũng chú ý và trao đổi với chúng tôi”. Bà Chu đã thành lập một nhóm mang tên “Làn sóng châu Á” để vận động hàng nghìn cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vào tháng 11.
Thiếu cảm giác an toàn
Trong nhiều năm, các nhà khoa học xã hội chỉ ra rằng việc tiếp nhận tin tức tiêu cực ảnh hưởng lớn đến nhận thức về tình trạng tội phạm. Và điều này đang lấn át số liệu thực tế, khiến mọi người thiếu cảm giác an toàn.
Điều đó có thể lý giải vì sao các câu chuyện từ đảng Cộng hòa tạo ra tác động lớn ở ngoại ô New York - nơi hiếm khi xảy ra bạo lực. Như ông Borelli chia sẻ: “Mỗi hộ gia đình trong quận của tôi đều có ít nhất một người đi làm ở quận khác. Và trong 3 năm qua, họ đã thấy cảm giác an toàn suy giảm ở New York”.
Theo New York Times, ở thung lũng Hudson, đảng viên Cộng hòa Mike Lawler đã lật ghế của Hạ nghị sĩ Sean Patrick Maloney sau nhiều tháng chỉ trích ông này về cải cách tiền bảo lãnh tội phạm - một thất bại nhức nhối cho đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa cũng chiếm ưu thế ở Staten Island.
Song thách thức thực sự có thể là một khu phố tên Bay Ridge ở phía nam công viên Sunset. Khu vực này được xem là vùng đất bảo thủ của người da trắng, nhưng trong những năm gần đây dòng người nhập cư Ả Rập, châu Á và Latinh, cũng như thế hệ millennial đang tìm thuê nhà giá rẻ, đã tràn vào Bay Ridge.
Trong cuộc bầu cử gần đây ở Bay Ridge, số phiếu bầu gần như chia đều giữa cánh tả và cánh hữu, tạo ra mâu thuẫn về bản sắc chính trị.
Tanya, một cư dân da trắng ở độ tuổi 30 tự gọi mình là “người theo chủ nghĩa cánh tả thực dụng”, nói rằng cô yêu mến thị trấn nhỏ Bay Ridge khi chuyển đến 10 năm trước, nhưng trong những năm gần đây, chủ nghĩa bảo thủ ngày càng hiện diện nhiều hơn.
“Có thể nhìn thấy những lá cờ kẻ xanh, biểu ngữ 'Let's Go Brandon', mũ MAGA (Make America Great Again) và áp phích về ông Trump ở khắp khu phố”, cô nói.
Một cư dân khác, ở độ tuổi 40, nói rằng khu vực này đang tràn ngập những người bất mãn với dân nhập cư da màu.
Những cư dân này “không nghĩ họ phân biệt chủng tộc và thường là người tốt bụng, nhưng họ từng nói với tôi rằng 'sự thiếu giáo dục khiến người da đen phạm tội', hoặc khi chúng tôi chuyển đến, họ nói 'rất vui vì chúng tôi không phải người Ả Rập, châu Á hay Mexico - những người đang hủy hoại khu phố'”, cư dân này kể lại.
Trong khi đó, cư dân da màu ở Bay Ridge hầu như tránh đối đầu. Chris Live, 43 tuổi và là người da đen, nói rằng 10 năm trước bạn bè từng ngăn cản anh không nên chuyển đến Bay Ridge, nhưng anh cảm thấy an toàn khi ở đây. Live cũng không cảm thấy bị xúc phạm chỉ vì chủ nghĩa bảo thủ.
“Nếu bước vào một quán bar và thấy ai đó đội mũ MAGA, nếu đó là chỗ ngồi duy nhất, tôi sẽ ngồi cạnh anh ấy nhưng sẽ không (trò chuyện)”, anh nói.
Thượng nghị sĩ bang Andrew Gounardes, đảng viên Dân chủ của Bay Ridge, cho biết ông đã “cảnh báo trong nhiều năm” về chủ nghĩa bảo thủ đang gia tăng ở miền Nam Brooklyn. Ông lập luận rằng để thành công ở miền Nam Brooklyn, các đảng viên Dân chủ nên lắng nghe người nhập cư, chứ không phải phủ nhận những lo ngại của họ về sự an toàn.
Song, bất chấp làn sóng đỏ ở Brooklyn, bà Chu nói rằng phe của bà vẫn là bên thua cuộc.
“Dù cộng đồng người Hoa có mạnh đến đâu, chúng tôi vẫn là một phần rất nhỏ. Vì vậy, trừ khi chúng tôi thu hút được sự chú ý của những ứng viên đắc cử không phải gốc Á, chúng tôi sẽ không thể tác động đến chính sách”, bà nói.