Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam
Sau khi lựa chọn con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thực hiện 'lộ trình': '... đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập'. Trong những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức để dẫn tới ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử.
Với sự nỗ lực, cố gắng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào yêu nước Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc và những hoạt động tích cực của các cấp bộ trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên trên cả nước có tác dụng thúc đẩy phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng vô sản, nâng cao ý thức giác ngộ và lập trường cách mạng của giai cấp công nhân. Sự chuyển biến mạnh mẽ các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ngày càng lên cao, nhu cầu thành lập một chính đảng cách mạng có đủ khả năng tập hợp lực lượng toàn dân tộc và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc ngày càng trở nên bức thiết đối với cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Đến năm 1929, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên không còn thích hợp và đủ sức lãnh đạo phong trào. Trước tình hình đó, tháng 3/1929, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ (Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu...) họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội), quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 17/6/1929, hơn 20 đại biểu của các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ họp tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), quyết định thành lập Đông Dương cộng sản Đảng; thông qua chính cương, tuyên ngôn, điều lệ; lấy cờ đỏ búa liềm là Đảng kỳ và quyết định xuất bản báo “Búa Liềm” làm cơ quan ngôn luận. Tháng 11/1929, Kỳ bộ Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng xuất bản tờ báo “Đỏ” làm cơ quan ngôn luận. Tại Trung Kỳ, Tân Việt cách mạng Đảng ( một tổ chức thanh niên yêu nước - lúc đầu gọi là Hội Phục hưng Việt Nam, gọi tắt là Phục Việt) - đã đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1/1/1930 tại Hà Tĩnh.
Sự ra đời ba tổ chức cộng sản trên cả nước diễn ra trong vòng nửa cuối năm 1929 khẳng định bước tiến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, sự ra đời ba tổ chức cộng sản ở ba miền đều tuyên bố ủng hộ Quốc tế Cộng sản, kêu gọi Quốc tế Cộng sản thừa nhận tổ chức của mình và đều tự nhận là đảng cách mạng chân chính, không tránh khỏi phân tán về lực lượng và thiếu thống nhất về tổ chức trên cả nước. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương, nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức duy nhất ở Đông Dương”. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, ngày 23/12/1929, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông (Trung Quốc) triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến họp tại Cửu Long (Hồng Kông) tiến hành hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản lại thành một chính đảng duy nhất của Việt Nam.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 6/1 - 7/2/1930. Hội nghị nhất trí tiến hành theo chương trình tự phê bình và phê bình về những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản; bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo luận thông qua chính cương, điều lệ, kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước các tổ chức cộng sản, cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm, đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản. Với vai trò chủ trì hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu ra năm điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”.
Hội nghị thảo luận, tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, sách lược vắn tắt của Đảng, chương trình tóm tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức công hội, nông hội, hội phản đế, xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền của Đảng. Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, quần chúng bị áp bức, nói rõ mục đích của việc thành lập Đảng, kêu gọi mọi người gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng, đi theo Đảng để thực hiện các nhiệm vụ được nêu ra trong Hội nghị thành lập Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đã khẳng định dứt khoát nội dung, phương hướng phát triển của xã hội Việt Nam là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về dường lối cứu nước của dân tộc ta trong hơn 7 thập kỷ.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là một bước tiến trong sự phát triển của dân tộc ta, tạo những tiền đề và nhân tố hàng đầu quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là sự phản ánh quy luật ra đời và cội nguồn sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào đặc điểm của dân tộc Việt Nam và là công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong công cuộc vận động thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Trải qua 94 năm cùng lịch sử dân tộc, có thể khẳng định rằng: từ khi ra đời đến nay, Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc trên lập trường của giai cấp công nhân. Vì vậy, trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, nhất là trong những bước ngoặt lịch sử phải đương đầu với mọi thử thách, dù hiểm nghèo, tưởng không thể vượt qua, Đảng đã kịp thời có những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, đưa con thuyền cách mạng vượt lên.
Cơ sở, nguồn gốc sức mạnh và truyền thống của Đảng là ở chỗ: Đảng đứng vững trên nền tảng tư tưởng tiên tiến của thời đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng không chỉ nắm bắt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn vận dụng sáng tạo và phát triển trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cơ sở, nguồn gốc sức mạnh của Đảng còn ở chỗ Đảng không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, phát huy truyền thống của Đảng để tự hào về Đảng và góp phần giữ vững, kế thừa, phát huy những truyền thống đó, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm thời đại mới.