Đang đàm phán để có 'giấy thông hành' xuất khẩu chính ngạch 8 loại trái cây Việt Nam sang Trung Quốc

8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm chưa ký Nghị định thư.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng.

8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm chưa ký Nghị định thư.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin: "Cục Bảo vệ thực vật đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loạt quả xuất khẩu truyền thống".

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc ký kết Nghị định thư về dài lâu đem lại nhiều kết quả rất tích cực vì toàn bộ việc buôn bán sẽ thông qua hợp đồng. Điều đó sẽ giúp ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá.

Sầu Riêng Việt Nam nằm trong 3 loại trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

Sầu Riêng Việt Nam nằm trong 3 loại trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

"Để có thể thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, phải xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Các vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đều khuyến cáo, đã và đang đẩy mạnh tập huấn cho các địa phương" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Để xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Những lô hàng từ vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói với Bộ NN&PTNT và không được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chấp nhận sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật.

Đồng thời, GACC sẽ thông báo ngay cho Bộ NN&PTNT và có thể sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu từ vùng trồng (hoặc doanh nghiệp) đó vào Trung Quốc, hoặc thậm chí tạm dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam, tùy theo tình hình.

Trong trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc hại khác vượt tiêu chuẩn về an toàn và y tế của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối hoặc tiêu hủy.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dang-dam-phan-de-co-giay-thong-hanh-xuat-khau-chinh-ngach-8-loai-trai-cay-viet-nam-sang-trung-quoc-post512052.antd