Dâng hoa, dâng hương tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nơi miền đất thiêng 'đá nở hoa'
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND cùng đoàn công tác Cục Truyền thông CAND và Nhà hát Tuổi trẻ đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên và Đài hương tưởng niệm 468 - tượng đài bất tử của miền 'đá nở hoa'.
Tiếp theo chuỗi hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy CAND (11/3/1948 – 11/3/2023), 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023) của toàn lực lượng CAND và hướng tới kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Cục Truyền thông CAND (6/8/2018 – 6/8/2023), kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Nhà hát Tuổi trẻ (10/4/1978 – 10/4/2023), tại Hà Giang, sáng 28/2, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND dẫn đầu Đoàn công tác của Cục Truyền thông CAND, Nhà hát Tuổi trẻ đã đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Cùng dự buổi lễ có Đại tá Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản CAND; NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam; Đại tá Phan Huy Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ Cục truyền thông CAND, Nhà hát Tuổi trẻ, lãnh đạo Công an huyện Vị Xuyên.
Tại nơi an nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng đoàn công tác thành kính dâng hoa, dâng hương kính viếng, tri ân, tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của trên 1.700 liệt sĩ. Nơi đây trở thành "ngôi nhà chung" của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra.
Trong số 1.864 mộ liệt sĩ được quy tập về đây, có tới hơn 1.600 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, còn lại 109 liệt sĩ chống Mỹ, 107 liệt sĩ chống Pháp, 1 liệt sĩ CAND. Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên còn có một phần mộ đặc biệt “Mộ liệt sĩ tập thể”. Đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ đã hi sinh tại Hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang.
Trong không khí trang nghiêm và thành kính, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng các đại biểu của đoàn công tác đã cùng nhau ôn lại những trang sử oai hùng của dân tộc. Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam, trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, giờ đây, đất nước được hòa bình, dân tộc được độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Những chiến thắng đó rất oai hùng vẻ vang, nhưng đau thương mất mát cũng thật là vô hạn. Tại mặt trận Vị Xuyên Hà Giang, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hàng ngàn chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm gìn giữ từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao với tinh thần quả cảm “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”; và hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc thân yêu…
Trong giờ phút thiêng liêng, trước Đài Tổ quốc ghi công uy nghi, linh thiêng, dưới áng hương trầm thơm tỏa, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng các đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng các thành viên trong đoàn công tác đã thành kính thắp những nén hương thơm để tỏ lòng tôn kính, sưởi ấm mộ phần các anh, những người con đất Việt kiên cường bất khuất, đã làm rạng danh cho non sông, cho Tổ quốc.
“Biết ơn sự hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các anh hùng liệt sĩ, kế tục và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ đi trước, CBCS, công nhân viên của Cục Truyền thông CAND và các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ xin hứa tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nguyện sống, chiến đấu, lao động và làm việc theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các liệt sĩ; đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng Cục truyền thông CAND và Nhà hát Tuổi trẻ ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong xúc động phát biểu.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại điểm cao 468, nơi đặt Đài hương tưởng niệm 468 – Tượng đài bất tử của miền “đá nở hoa”.
Hà Giang ghi dấu trên bản đồ Việt Nam không chỉ bởi núi non trùng điệp, kỳ vĩ, những cung đèo hiểm trở mà còn bởi lịch sử bi tráng và oai hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 là một trong những địa danh lịch sử, linh thiêng đó.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kiên cường và vĩ đại của dân tộc, điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt năm xưa, giờ đã phủ bạt ngàn một màu xanh của cây cối, núi rừng. Nơi đây sừng sững, uy nghiêm một Đài hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc, quê hương.
Đài hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2, bao gồm một Nhà tưởng niệm, đường dẫn lên Nhà bia, Nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác, là nơi để thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh, nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân nói chung và các thế hệ trẻ nói riêng.
Từ Đài tưởng niệm 468 có thể bao quát được những điểm cao khác như 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi ghi dấu những trận đánh ác liệt, hào hùng của quân và dân ta. Tại đây, nhiều người lính tuổi mười tám, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, biên cương năm xưa…
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, điểm cao 468 được coi là chiến trường ác liệt nhất. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập; hàng ngàn héc-ta đồi núi vẫn còn vật liệu nổ của những trận địa hai bên chiến tuyến.
Cũng tại nơi đây, năm xưa, quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ vẹn toàn biên cương, Tổ quốc. Máu của các anh hùng đã hòa cùng đất, đá, nước, mang lại một màu xanh no ấm và thanh bình cho Tổ quốc và nhân dân. Lời thề của người lính Vị Xuyên "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" khắc trên Đài tưởng niệm 468, như năm xưa được khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, Trung Đội trưởng Bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, nhất quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc để lại trong tất cả các thành viên và nhân dân đến hành lễ tâm trạng xúc động, tự hào.
Trên Đài tưởng niệm linh thiêng, hào hùng, trong không khí trang nghiêm và xúc động, trước anh linh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn vàn kính yêu và các anh hùng liệt sĩ, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng đoàn công tác đã thành kính dâng hương, hoa, thắp những nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, bình yên nơi biên cương Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cùng các thành viên đoàn công tác xin hứa, nguyện không ngừng cố gắng, nỗ lực chung sức, đồng lòng tiếp tục tiếp nối truyền thống vinh quang, tinh thần quả cảm của các anh hùng liệt sĩ, vượt qua khó khăn, cùng nhau thi đua, thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, phát triển.