Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Cơ hội để sản phẩm tôm hùm bông vươn xa

Nhóm thực hiện dự án tiến hành lấy mẫu nước, bùn trầm tích, động thực vật phù du trên vùng nuôi tôm hùm bông tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: CTV

Sở KH-CN Phú Yên vừa tổ chức trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ tôm hùm bông, gia tăng chất lượng và giá trị tôm thương phẩm, đồng thời duy trì và phát triển bền vững ngành nuôi tôm hùm bông của tỉnh.

Từ vùng nuôi tôm hùm đầu tiên của cả nước

Theo những lão ngư sinh sống ở vùng biển TX Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm bông tại Phú Yên bắt đầu từ năm 1990 bởi một số ngư dân sống bằng nghề khai thác thủy sản ven đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài khi họ bắt được những con tôm hùm nhỏ và cho vào đăng nhỏ để nuôi. Sau một thời gian, tôm lớn dần, đăng nhỏ được thay thế bằng đăng lớn. Từ đó, phương thức nuôi tôm hùm bằng đăng, đáy được hình thành, rồi phát triển nuôi tôm bằng lồng, bè tại Phú Yên.

Từ sự thành công của phương thức nuôi này, số lượng lồng nuôi tôm hùm liên tục tăng. Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 2.200 hộ nuôi tôm hùm bông với gần 35.000 lồng nuôi thương phẩm, sản lượng thu hoạch ước tính lên 150 tấn/năm; doanh thu khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Hiện nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên ngày càng gia tăng nhưng hoạt động nuôi của các hộ ngư dân vẫn mang tính nhỏ, lẻ, thiếu liên kết. Vì vậy, sản phẩm chủ yếu được bán cho thương lái và xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, lợi nhuận không cao, giá trị chưa tương xứng với đầu tư.

Để bảo tồn nguồn giống, phát triển và đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ tôm hùm bông, gia tăng chất lượng và giá trị tôm thương phẩm, đồng thời duy trì và phát triển bền vững ngành nuôi tôm hùm bông, dự án: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông tỉnh Phú Yên” đã được ThS Nguyễn Văn Ga làm chủ nhiệm, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì thực hiện từ tháng 1/2019-12/2020. Sau 2 năm triển khai, dự án đã xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên; xây dựng chính sách pháp luật và công cụ phục vụ công tác quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý trên cơ sở các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tôm hùm Phú Yên; tổ chức kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng chỉ dẫn địa lý tại các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên. Dự án đã chứng minh được tính chất đặc thù của sản phẩm tôm hùm bông Phú Yên với các sản phẩm tương tự và là cơ sở vững chắc để đưa tôm hùm bông Phú Yên chinh phục thị trường.

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, xu hướng chung hiện nay của thị trường luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho tôm hùm bông Phú Yên sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm vì đây là sự cam kết sản phẩm được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, an toàn, từ đó sẽ kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm và khuyến khích được sản xuất.

Chinh phục thị trường bằng chất lượng sản phẩm

Ngày 5/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm hùm bông của Phú Yên. Đây là cơ sở quan trọng để đưa sản phẩm tôm hùm Phú Yên chinh phục thị trường.

Dù đã bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công nhưng theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, việc được bảo hộ này mới chỉ là bước đặt nền móng để tạo chỗ đứng cho sản phẩm. Về lâu dài, để chinh phục thị trường, điều cốt lõi là cần phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Bởi, chất lượng sản phẩm có tốt không, sản phẩm có phong phú hay không sẽ quyết định sản phẩm thương mại hóa thành công hay không. Để làm được điều đó, thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đầu tư cho tôm hùm bông theo chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chất lượng sản phẩm đến truy xuất nguồn gốc. “Hiện Việt Nam có hơn 100 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia nhưng khâu thương mại hóa sản phẩm chưa thành công như kỳ vọng. Vì vậy, địa phương cần xem xét, đánh giá và tìm kiếm mô hình quản lý phù hợp để kiểm soát và quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm hùm”, ông Hồng nói.

Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, hiện địa phương có khoảng 774ha nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài và hơn 250ha ở đầm Cù Mông. Thời gian tới, thị xã sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về nuôi tôm an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. TX Sông Cầu cũng đang thành lập Hiệp hội Tôm hùm, tổ nuôi trồng cộng đồng, HTX Nuôi trồng thủy sản; đồng thời hướng đến truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để vừa đảm bảo sản xuất tôm an toàn, giảm thiểu tác động đến môi trường vừa nâng cao giá trị gia tăng cho tôm hùm. TX Sông Cầu sẽ nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm hùm phát triển. Trong quá trình đó, thị xã mong muốn các sở, ngành quan tâm chung tay cùng người nuôi và các đơn vị kinh doanh tôm hùm để sản phẩm này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm tôm hùm bông sẽ trở thành mũi nhọn, thế mạnh của Phú Yên. Trong quá trình phát triển sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ chuyên môn, đồng hành cùng địa phương. Chúng tôi mong muốn tiếp tục chứng kiến thành công của sản phẩm này trong thời gian tới.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/269366/dang-ky-bao-ho-chi-dan-dia-ly--co-hoi-de-san-pham-tom-hum-bong-vuon-xa.html