Đăng ký tuyển sinh đại học: 'Nhất' kinh doanh và quản lý, 'nhì' kỹ thuật và công nghệ
Liên quan đến tình hình đăng ký tuyển sinh đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào đạo Hoàng Minh Sơn cho biết, lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều em đăng ký.
Chiều 5/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, đại diện Bộ Giáo dục và Đào đạo (Bộ GD&ĐT) đã thông tin đến báo chí liên quan đến tình hình đăng ký tuyển sinh đại học, trong đó có những ngành được thí sinh ưu tiên nhiều nhất. Đặc biệt là tình hình đăng ký những ngành như STEM là ngành mới.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, về việc tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã công bố số liệu đăng ký dự tuyển năm nay. "Đến thời điểm chốt số liệu, có khoảng trên 733.000 thí sinh trên hơn 1 triệu em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ này khá cao, đạt 68,5% trong khi 2 năm trước đây, tỉ lệ này là 66,5% và khoảng 64%", ông Sơn cho biết.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, con số nêu trên chứng tỏ nhu cầu học tập đại học của các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có tăng cũng như liên quan đến thị trường lao động việc làm, nhu cầu về trình độ nhân lực trình độ cao của xã hội cũng tăng. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển về kinh tế - xã hội đất nước.
"Theo quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2023, chúng ta phải đạt 260 sinh viên trên 1 vạn dân, tức là gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Như vậy là với xu hướng trên, sẽ đạt được mục tiêu này", ông Sơn nói cho cho rằng điều này cũng chứng tỏ sự tin tưởng của người học, của xã hội đối với chất lượng giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực những năm qua.
Về tình hình thí sinh đăng ký vào các ngành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, xét cả về cơ cấu và đối chiếu việc tăng giảm so với các năm trước, nhận thấy sự lựa chọn ngành học ngày nay các em học sinh được tư vấn rất kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp của các ngành học cũng như thông tin về thị trường lao động cũng rất sát. Vì vậy, xu hướng lựa chọn các ngành học, các lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỉ lệ nguyện vọng của các em.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, các nguyện vọng cũng chưa nói lên tất cả vì sau khi các em trúng tuyển nhập học thì sẽ đúng hơn nhưng cũng là thông tin ban đầu theo hướng tích cực.
Cụ thể: Thứ nhất, như mọi năm, có tổng cộng khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Có những lĩnh vực rất nhiều ngành và nhu cầu thực tế rất lớn nên ta so sánh con số tuyệt đối hay cơ cấu giữa các lĩnh vực đôi khi có những đánh giá chưa hoàn toàn đúng.
"Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều em đăng ký", ông Sơn thông tin và cho biết thêm, từ năm nay, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, tức là ngành sư phạm có số lượng thí sinh đăng ký rất đông. Nguyên nhân theo ông Sơn là do chính sách về hỗ trợ học phí,
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm 2024 có mấy lĩnh vực gồm: Khoa học đào tạo giáo viên tăng 85% so với 2023; lĩnh vực khoa học tự nhiên số lượng nguyện vọng tăng 61%.
Trong khi đó, có một số lĩnh vực giảm, kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và công nghệ thông tin giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng. Tổng thể, khối STEM số nguyện vọng chiếm khoảng 30%. Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%.
"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích để có những thông tin cụ thể hơn gửi tới các cơ quan báo chí và xã hội", ông Sơn nói.
STEM là chữ viết tắt để chỉ 4 khối ngành:
- Science (Khoa học)
- Technology (Công nghệ)
- Engineering (Kỹ thuật)
- Mathematic (Toán học).
Về bản chất, các ngành thuộc STEM chú trọng trang bị cho người học những kiến thức liên quan đến lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Các kiến thức và kỹ năng này được tích hợp, lồng ghép, bổ trợ giúp học sinh không chỉ nắm bắt về nguyên lý mà còn áp dụng những kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày.