Đáng lo đột quỵ tái phát

Dù từng trải qua cơn đột quỵ nhưng không ít người vẫn chủ quan khiến đột quỵ tái phát gia tăng đe dọa tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh.

Chị N.T.H. mới 32 tuổi nhưng đã trải qua 2 cơn đột quỵ

Chị N.T.H. mới 32 tuổi nhưng đã trải qua 2 cơn đột quỵ

Chị H.T.H. ở xã Cẩm Việt (Thanh Hà) mới 32 tuổi nhưng đã 2 lần phải điều trị nội trú do bị nhồi máu não dẫn tới đột quỵ. Lần đầu bị đột quỵ, chị H. đang lao động tại Đài Loan. Bản thân chị H. mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ. Do chế độ làm việc quá sức, ngủ ít lại ăn uống không hợp lý, thường xuyên lạm dụng đồ uống ngọt đã khiến chị H. ngã quỵ khi đang làm việc. Sau một thời gian điều trị tại Đài Loan, chị H. về nước, tiếp tục chữa bệnh ở Hà Nội. Khi sức khỏe ổn định, chị H. xin làm công nhân tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Dương.

Nghĩ mình còn trẻ, lại phải lo kinh tế gia đình nên chị H. có phần chủ quan, ít chú ý tới sức khỏe. Đầu tháng 5/2025, chị H. tiếp tục xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ như tê chân, đi không vững. Rất may, chị được đồng nghiệp phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời từ những giờ đầu. Vì được can thiệp điều trị sớm nên chị H. ít phải đối mặt với biến chứng. “Tôi không nghĩ đột quỵ có thể tái phát nên không mấy quan tâm tới việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe sau lần đột quỵ đầu”, chị H. thừa nhận.

Tỷ lệ người bị đột quỵ tái phát tương đối cao nếu như không thực hiện các biện pháp phòng ngừa

Tỷ lệ người bị đột quỵ tái phát tương đối cao nếu như không thực hiện các biện pháp phòng ngừa

Sau hơn 1 tuần điều trị bệnh đột quỵ, ông H.V.N. ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đã tỉnh táo hơn song giao tiếp vẫn còn khó khăn. Theo người nhà ông N., ông đã từng phải điều trị căn bệnh này cách đây 3 năm trước nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Sau khi kết thúc đợt điều trị đầu, bác sĩ có căn dặn ông N. xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, rượu bia. Tuy nhiên, ông vẫn không từ bỏ thói quen, sở thích cá nhân, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn trước.

Việc duy trì hút thuốc và lạm dụng rượu bia ở độ tuổi đã ngoài 60 khiến sức khỏe ông N. giảm sút. Vì thế, vừa qua ông phải đối mặt với cơn đột quỵ lần 2. Khi đang ngồi ăn cơm, ông N. chóng mặt, tay cầm bát đũa không chặt rồi cảm thấy liệt nửa người. Vì có người thân bên cạnh, ông N. được đưa tới bệnh viện ngay. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng nên việc điều trị phức tạp và khó khăn hơn. Ông N. gượng gạo nói: “Sau lần này tôi sẽ không xem nhẹ sức khỏe bản thân nữa mà tuân thủ đúng theo hướng dẫn của các bác sĩ để bảo vệ mình và không để người thân phải lo lắng”.

Đột quỵ là tình trạng máu cung cấp đến một phần của não bị gián đoạn dẫn đến tổn thương các tế bào não. Nguyên nhân của đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não. Đột quỵ tái phát là người bệnh đã trải qua cơn đột quỵ trước đó và tiếp tục gặp cơn đột quỵ thứ hai và có thể là nhiều lần tiếp theo. Theo một số nghiên cứu, trong 5 năm kể từ lần đột quỵ đầu tiên, khả năng xảy ra đột quỵ tái phát lên đến 25%.

Đột quỵ tái phát xảy ra khi người từng đột quỵ không kiểm soát được các yếu tố nguy cơ là những bệnh nền như cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, hút thuốc, uống rượu bia và béo phì. Các triệu chứng của đột quỵ tái phát cũng tương tự với lần đầu với những biểu hiện là yếu hoặc tê liệt ở mặt, cánh tay, chân, nhất là một bên cơ thể. Người bệnh khó nói, không thể nói một câu hoàn chỉnh, khó hiểu ý người khác, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội hoặc mất ý thức.

Dù nguy hiểm hơn lần đầu nhưng bệnh nhân đột quỵ tái phát vẫn có thể phục hồi tốt nếu như được cấp cứu kịp thời

Dù nguy hiểm hơn lần đầu nhưng bệnh nhân đột quỵ tái phát vẫn có thể phục hồi tốt nếu như được cấp cứu kịp thời

Đột quỵ tái phát vô cùng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao cũng như các biến chứng nghiêm trọng, nặng nề hơn lần đầu. Người bị đột quỵ tái phát có thể bị yếu liệt, tàn phế, rối loạn ngôn ngữ hay gặp các vấn đề về thị giác... Thậm chí, còn đối mặt với chứng trầm cảm, rối loạn lo âu do lo sợ bệnh tái phát nhiều lần.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Mạc Doanh Thịnh, Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều thời điểm, khoa tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn, quá tải. Trong số đó có trường hợp bị tái phát. Không ít người lầm tưởng sau khi điều trị đột quỵ thành công, sức khỏe ổn định thì bệnh sẽ không tái phát.

Cũng theo bác sĩ Thịnh, trước đây người bị đột quỵ dưới 50 tuổi rất ít, còn hiện tại ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người duy trì thói quen xấu, nhất là về ăn uống. Đến khi bản thân trải qua cơn đột quỵ đầu, cơ thể phục hồi nhanh, nền tảng sức khỏe chưa giảm sút nhiều nên vẫn giữ tư tưởng chủ quan, càng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ tái phát.

HOÀNG LINH - ĐỨC THÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dang-lo-dot-quy-tai-phat-411977.html