Muốn từ bỏ thuốc lá thành công, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn

Người nghiện thuốc lá có thể bỏ được thuốc lá hoàn toàn nếu quyết tâm và sự tư vấn kiên trì và chuyên sâu của cán bộ y tế. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 22/5.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gánh nặng do thuốc lá gây ra rất lớn

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, với sự nỗ lực của Bộ Y tế, các chuyên gia, các cán bộ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Nghị quyết 173/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua và thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Trong đó, những cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp nhiều bằng chứng, những dữ liệu khoa học, những ca bệnh bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra. Đó là nhiều trường hợp bị tổn thương phổi cấp, tổn thương thần kinh không hồi phục… Những thông tin này đã góp phần vào việc Nghị quyết được ban hành.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, các cán bộ y tế với sự mệnh của mình cần bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa thuốc lá và các loại thuốc lá mới, vì nếu đã thử hút thuốc, nguy cơ nghiện ở thế hệ trẻ sẽ rất cao. Đặc biệt đối với những người đang mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá hoặc không liên quan đến thuốc lá, nếu hút thuốc lá và bị ảnh hưởng của thuốc lá thụ động sẽ gây ra tiên lượng bệnh khó khăn, chi phí điều trị tốn kém, kèm theo nguy cơ kháng với thuốc điều trị.

Chuyên gia y tế chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá tại Hội thảo

Chuyên gia y tế chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá tại Hội thảo

PGS.TS Vũ Văn Giáp ví dụ: "Một người vừa đặt stent mạch vành tốn mấy chục triệu đồng, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc sẽ có nguy cơ mạch đó tắc lại, tắc mạch vành khác, hiệu quả điều trị coi như bằng không, gánh nặng bệnh tật không được giải quyết. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân ung thư phổi sẽ kháng hóa chất hoặc mắc ung thư mới; nhóm phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh sản… nếu hút thuốc lá hoặc thuốc lá thụ động sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi".

Tư vấn là yếu tố then chốt trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá

Phát biểu tại Hội thảo, TS Jennifer Houston - Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cho biết, tư vấn và dùng thuốc hỗ trợ có thể tăng gấp đôi cơ hội cai thuốc lá thành công của người sử dụng thuốc lá. Có bằng chứng cho thấy, nhân viên y tế có khả năng lớn nhất trong hỗ trợ mọi người bỏ thuốc lá.

Lời khuyên ngắn gọn từ các chuyên gia y tế có thể làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công lên đến 30%, trong khi lời khuyên chuyên sâu làm tăng cơ hội bỏ thuốc lá lên 84%.

PGS.TS Phan Thu Phương phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Phan Thu Phương phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) - năm 2024, có 7.443 lượt bệnh nhân trong số bệnh nhân có hút thuốc đến khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá và trong số này, 1.816 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu sau khi tư vấn ngắn. Trong nghiên cứu với 300 người hút thuốc, ở thời điểm đánh giá, sau khi nhận tư vấn trực tiếp của bác sĩ, có 48,4% đối tượng đã bỏ thuốc, trong đó số người bỏ thuốc từ 12 tháng trở lên là 20,7%, bỏ thuốc từ 6-dưới 12 tháng là 15%, từ 1-dưới 6 tháng là 11% và 1,7% người bỏ thuốc dưới 1 tháng.

PGS.TS Phan Thu Phương cho biết, thời gian tới Bệnh viện tiếp tục phối hợp với các phòng khám ngoại trú và khoa điều trị nội trú thực hiện quy trình tư vấn cai nghiện thuốc để các cán bộ y tế luôn nhớ và dành thời gian tư vấn cho người bệnh, góp phần vào cai nghiện thuốc lá thành công cho người bệnh.

Lê Hảo

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/muon-tu-bo-thuoc-la-thanh-cong-hay-gap-bac-si-de-duoc-tu-van-20250522195733412.htm