Đảng mạnh cốt ở chữ 'tinh'

'Quý hồ tinh bất quý hồ đa'-đúc kết đó của các bậc tiền nhân cho thấy chất lượng luôn được xem trọng hơn số lượng trong hầu hết việc. Đối với công tác xây dựng Đảng, đúc kết trên càng có ý nghĩa sâu sắc, cấp thiết, nhất là trong việc nhất quán chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng bảo đảm những yêu cầu rất cao về chất lượng.

C.Mác và V.Lênin đều từng khẳng định: Đảng Cộng sản là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Điều đó cho thấy, các nhà mác-xít đánh giá rất cao về chất lượng của những người đứng trong hàng ngũ tổ chức đảng. Năm 1923, Lênin viết tác phẩm “Thà ít mà tốt”, nhấn mạnh: Đảng phải là đội tiên phong gồm những người tiên tiến nhất, ưu tú nhất; là tinh túy của cả phong trào cách mạng. Bởi có tiên phong, có tiên tiến mới lãnh đạo được quần chúng, mới dẫn đường cho cách mạng. Không có quần chúng thì không có cách mạng, nhưng không có lãnh đạo thì không ai dẫn đường; thực tiễn cũng cho thấy dẫn đường đúng thì cách mạng thành công, dẫn đường sai thì đổ vỡ, thất bại.

Để Đảng mạnh, bao gồm những con người thật sự tinh túy, tiên tiến, trước hết cần phải có lý luận, học thuyết dẫn đường. Bởi như Lênin từng khẳng định: Chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong. Trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.

 PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: PHẠM KIÊN

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: PHẠM KIÊN

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ của mình. Những nhà lãnh đạo của Đảng đều là những nhà lý luận xuất sắc. Để có lý luận ấy, trải qua những hoạt động cách mạng sôi nổi, các đồng chí đảng viên luôn đề cao tinh thần tự giác học tập; học ở trong trường Đảng, trong sách vở, học từ thực tiễn, học ở nhân dân. Việc học, cùng với quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ đã tôi luyện nên những con người thật sự ưu tú trong Đảng. Cùng với đó, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn nghiêm khắc, nghiêm minh thực hiện việc rà soát và đưa ra khỏi Đảng những con người bị hủ hóa, sa ngã hoặc không còn xứng đáng với danh hiệu: Đảng viên!

Có không ít giai đoạn cách mạng, tuy số lượng đảng viên chưa nhiều nhưng Đảng ta vẫn đủ sức lãnh đạo cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kinh nghiệm cho thấy, để nâng cao chất lượng đảng viên, một mặt, Đảng quy tụ quần chúng, lựa chọn quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng; đồng thời tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên. Điều ấy cho thấy Đảng luôn đặt ra mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đảng viên theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu cao là “thà ít mà tốt”.

Ngày nay, ở một đất nước có gần 100 triệu dân, Đảng ta hiện có khoảng 5 triệu đảng viên. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tinh túy, ưu tú, trước hết Đảng cần phải đào tạo, giáo dục đảng viên để họ có học vấn, có kiến thức sâu, có trình độ cao. Một mặt phải vận động kết nạp các nhân sĩ, trí thức có trình độ chuyên sâu vào hàng ngũ của Đảng để tập hợp lực lượng trí tuệ ngày càng cao trong Đảng. Hay nói cách khác, phải có những nhân tài trong Đảng, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém.

Trong lịch sử, ngay từ lúc mới về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ nhiều hiền tài trong Đảng như các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ... Họ nhanh chóng trở thành các nhà lãnh đạo trong Đảng; vừa là học trò vừa là người đồng chí thân cận với Bác, nhờ đó đã góp phần chèo lái con thuyền cách mạng đi đến những bến bờ thắng lợi. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta vẫn luôn chú trọng đưa vào Đảng những người tài. Nhiều cán bộ, đảng viên là những nhà khoa học, có học hàm, học vị cao, có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, gặt hái nhiều thành công và đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển, đổi mới đất nước.

Một vấn đề cấp thiết, đó là trong kiểm tra, đánh giá cán bộ, đảng viên hiện nay, Đảng cần đề cao tính nghiêm túc, khách quan, tránh căn bệnh hình thức, dĩ hòa vi quý, nhất là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang công tác. Thực tế là không ít cán bộ, đảng viên nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được nhiều phần thưởng nhưng vẫn hầu tòa vì rơi vào suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng. Điều này đòi hỏi tính trung thực, thẳng thắn trong sinh hoạt đảng. Muốn vậy, khâu đánh giá cán bộ, đảng viên phải được nêu cao, làm chặt chẽ hơn nữa. Ai xứng đáng thì ở trong Đảng; đã ở trong Đảng thì phải tận tâm, tận lực làm việc, cống hiến vì lợi ích chung; phải thật sự là nhà lãnh đạo có uy tín, được quần chúng kính trọng, thừa nhận, yêu thương như máu thịt của mình.

Trong giai đoạn mới, trước những thành tựu to lớn đạt được sau gần 40 năm đổi mới đất nước, chúng ta không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”; không thể tự bằng lòng với những gì đã có, mà phải tiếp tục vươn lên, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, vững vàng cập những bến bờ thành công mới!

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-giap-thin-2024/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-giap-thin/dang-manh-cot-o-chu-tinh-763041