Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh
Sinh thời Bác Hồ đã nói: 'Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái, gương mẫu'. Việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được xem là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và đã được hiện thực hóa bằng Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương. Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn bất cập, việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống vì thế mà cũng lắm gian nan.
Thiếu “lửa” trong sinh hoạt chi bộ
Triển khai Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Đảng, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đảng bộ cấp huyện khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình, xây dựng đề án để ban hành Nghị quyết chuyên đề.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy Kỳ Anh đã tổ chức khảo sát các loại hình chi bộ, phân cụm và tổ chức sinh hoạt chi bộ điểm tại các cụm do Thường vụ Thị ủy trực tiếp chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đã xây dựng đề án, tổ chức hội thảo và ban hành Nghị quyết về “xây dựng Chi bộ Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”;
Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo chuyên đề, đi sâu vấn đề chất lượng sinh hoạt Chi bộ, vai trò điều hành của chi ủy, phân công đảng viên. Từ đó định rõ chủ trương và giải pháp cụ thể; Huyện ủy Lộc Hà định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện với bí thư chi bộ, trưởng thôn, vừa phát hiện những cách làm hay, vừa giải đáp những vấn đề vướng mắc từ cơ sở…
Chi bộ Kim Tân, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà có 127 đảng viên, vừa được sáp nhập từ 3 chi bộ. Theo thống kê, các cuộc họp chi bộ thường kỳ thường diễn ra trong 110 phút, bình quân có 8 đảng viên phát biểu trong khoảng thời gian 70 phút. Theo đánh giá thì đây là sinh hoạt chi bộ thể hiện rõ tính chiến đấu và tính lãnh đạo trong sinh hoạt Đảng. Ông Nguyễn Duy Ngụ, Bí thư Chi bộ Kim Tân khẳng định: “Chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt hay xấu tùy thuộc vào việc chuẩn bị nội dung và phương pháp điều hành của chi ủy, nhất là trách nhiệm của Bí thư Chi bộ”.
Tuy nhiên, thực tiễn số chi bộ hoạt động có nền nếp như Chi bộ Kim Tân chưa phải là nhiều, chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung rất hạn chế, tâm lý đảng viên ngại phát biểu. Trong sinh hoạt thường sa vào việc chuyên môn, không chú trọng việc gợi ý, dẫn dắt nội dung, nhằm phát huy dân chủ và tính chiến đấu trong sinh hoạt. Thậm chí nặng giải trình vòng vo, không phân giao rõ việc phải làm và phân giao nhiệm vụ cho đảng viên. Đảng viên phát biểu xong xem như xong nhiệm vụ, coi việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết là trách nhiệm của ban chi ủy.
Ông Lương Quốc Tuấn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Tĩnh cho rằng: “Sinh hoạt chi bộ hiện nay chủ yếu thông tin một chiều trên xuống, rất ít ý kiến phản biện, góp ý từ dưới lên. Việc chuẩn bị nội dung và điều hành sinh hoạt của ban chi ủy còn hạn chế, chưa làm rõ được vai trò lãnh đạo của chi bộ. Những hạn chế trên dẫn đến sự nhàm chán, điệp khúc là đến hẹn lại lên, thiếu “lửa” trong sinh hoạt, vai trò đảng viên mờ nhạt”.
Nan giải phát triển và quản lí đảng viên
Việc phát triển đảng viên ngày càng khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn. Không ít thôn, tổ dân phố không có chi đoàn thanh niên. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 kết nạp hơn 2.100 đảng viên, nhưng tỷ lệ kết nạp từ nông thôn chỉ có 9,9%. Nhiều chi bộ nông thôn nhiều năm không kết nạp được đảng viên nào. Có thời kỳ một số sinh viên ra trường chưa có việc làm về tham gia sinh hoạt Đoàn, phấn đấu vào Đảng để thêm điều kiện và cơ hội tuyển dụng vào biên chế. Nay tinh giản biên chế, ít có cơ hội nên nhiều người không mặn nồng việc rèn luyện phấn đấu vào Đảng.
“Trong công tác phát triển đảng viên, cái khó là lớp trẻ muốn ly quê để mưu sinh. Nên tổ chức Đảng phải chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hấp dẫn tại địa phương để thu hút lao động trẻ, tìm và giao việc cho tuổi trẻ, tạo môi trường và động lực để lớp trẻ phấn đấu, lập thân lập nghiệp tại quê hương. Trên cơ sở đó để củng cố tổ chức Đoàn, bồi dưỡng đoàn viên kết nạp vào Đảng và tạo nguồn cán bộ”.
Ông Trần Đức Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián.
Ông Trần Đức Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho biết: “Phần lớn thanh niên đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm việc làm ở nơi khác nên hoạt động của tổ chức Đoàn và tìm nhân tố bồi dưỡng kết nạp Đảng rất khó. Cấp trên giao chỉ tiêu, Đảng ủy chỉ nhìn vào đối tượng là giáo viên trong các trường học. Do đó, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của 4 trường học trong xã đều là đảng viên”.
Việc phát triển đảng viên đã khó, mà quản lý đảng viên đi làm xa gửi sinh hoạt tại địa phương càng khó hơn, thậm chí có nơi còn buông lỏng. Ai biết đảng viên đó tốt, xấu thế nào, có vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng không, nhưng cuối năm đa phần vẫn phân loại hoàn thành nhiệm vụ?
Để chi bộ mạnh, hoạt động thực sự hiệu quả, nhiều đảng viên tâm huyết cho rằng, cần sắp xếp mô hình tổ chức chi bộ gắn với đơn vị hành chính chuyên môn. Với quy mô phình to chi bộ sau sáp nhập ở thôn, tổ dân phố thì việc hình thành các tổ Đảng là rất cần thiết và cấp bách để quản lý đảng viên tốt hơn, nhằm phân giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên và thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng được nghiêm túc. Đảng ủy cơ sở phải định rõ nội dung sinh hoạt hàng tháng cho từng chi bộ, trong đó có những nhiệm vụ cá biệt đối với một số chi bộ còn yếu hoặc hạn chế một số mặt.
Ngoài nội dung sinh hoạt thường kỳ, cần có sinh hoạt chuyên đề để truyền thụ cho đảng viên những vấn đề cần thiết về chủ trương, nghị quyết, pháp luật, thời sự… Không để đảng viên bị đói về thông tin, dẫn đến không phát huy được vai trò đầu tàu gương mẫu trong nhận thức và hành động trước quần chúng. “Cần hình thành mạng lưới báo cáo viên các cấp, tùy quy mô của mỗi đảng bộ cơ sở để lựa chọn từ 1 đến 4 báo cáo viên là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp đã nghỉ hưu, có uy tín, bản lĩnh, có phương pháp truyền thụ tốt để bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ” - ông Ngô Văn Hảo, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà đề nghị.
Trong lúc đó, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh Phạm Hữu Thao cho rằng: “Cấp trên của tổ chức cơ sở Đảng căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ của địa phương từng thời kỳ để giao cho các ban, phòng chuyên môn biên tập các chuyên đề về nghị quyết, thời sự, chính sách pháp luật, chuyên đề học và làm theo Bác, lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật… phù hợp với nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Việc sinh hoạt chuyên đề có thể tổ chức sinh hoạt mỗi quý 1 lần hoặc vài ba chục phút trong sinh hoạt thường kỳ dưới sự quản lý và điều phối của Đảng ủy cơ sở”.
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-manh-la-do-cac-chi-bo-manh-post1609609.tpo