Đằng sau cuộc bạo loạn chết người trong tù
Phát hành trên Netflix, series 'Phòng giam 211' của Mexico lập tức gây sốt. Tác phẩm thành công khi khai thác được bối cảnh nhà tù khắc nghiệt nhưng kịch bản còn nhiều hạn chế, thiếu cao trào và phát triển nhân vật chưa thuyết phục.
Chọn bối cảnh nhà tù, phim truyền hình Mexico Phòng giam 211 (Tựa quốc tế: Prison Cell 211) gợi nhớ series vượt ngục kinh điển Prison Break. Song, tác phẩm cũng có những sáng tạo riêng để khai thác sâu hơn về những mâu thuẫn quyền lực trong tù lẫn cuộc đấu tranh sinh tồn đầy khốc liệt.
Phát hành trên Netflix, series nhanh chóng thu hút khán giả dù không được quảng bá rầm rộ. Tác phẩm hiện vào top 10 bảng xếp hạng các phim truyền hình ăn khách nhất tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Đằng sau cuộc bạo loạn chết người
Series gồm sáu tập do Jaime Reynoso đạo diễn, được giới thiệu là bản remake (làm lại) từ phim điện ảnh Cell 211 do Tây Ban Nha và Pháp phối hợp sản xuất năm 2009.
Kịch bản được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên năm 2003 của Francisco Perez Gandul nhưng được cập nhật, làm mới. Nhiều chi tiết lấy cảm hứng từ những vụ bạo loạn có thật, xảy ra tại nhà tù Ciudad Juarez năm 2023 từng khiến 19 người thiệt mạng.
Phim bắt đầu khi nhân vật chính Juan Olvera (Diego Calva) - một luật sư nhân quyền - đến nhà tù Ciudad Juarez để gặp thân chủ lần đầu. Nhưng mọi chuyện không hề diễn ra suôn sẻ như anh dự tính.
Trong lúc Olvera đang làm thủ tục thì tù nhân Calancho (Hernandez) bất ngờ tổ chức cuộc nổi loạn trong trại giam, khiến mọi thứ rơi vào cảnh hỗn độn.
Mắc kẹt trong nhà tù và đứng giữa ranh giới sống – chết, Olvera buộc phải giả dạng làm tù nhân, tìm cách giữ mạng để chờ cứu viện.
Phim có mở đầu ấn tượng. Ngay từ những cảnh mở màn, đạo diễn đưa khán giả bước vào nhịp sống khác biệt trong nhà tù Cereso Juarez. Từ tiếng cánh cửa phòng giam, tiếng loa thông báo cho đến khi cuộc bạo loạn nổ ra đều được tái hiện chân thật, tạo nên bầu không khí ngột ngạt và u ám.
Đạo diễn dẫn dắt câu chuyện với nhịp điệu nhanh và gấp gáp, gợi nhớ đến phong cách căng thẳng của các series như Narcos: Mexico hay Snowpiercer.
Thông qua câu chuyện, phim cài cắm thông điệp về sự khác biệt giữa các giai cấp. Ngay cả trong tù cũng không tồn tại sự bình đẳng. Có tù nhân sống thoải mái và giàu có, sở hữu đầy đủ tiện nghi từ tivi, internet, rượu chè…
Trái lại, phần lớn những tù nhân khác lại phải chịu đựng điều kiện sống khắc khổ, không được hưởng quyền con người tối thiểu.
Series cũng mở rộng về cuộc sống bên ngoài nhà tù, chủ yếu xoay quanh nhân vật chính. Vợ Olvera rất trân trọng công việc của anh nhưng mong muốn chồng chọn một vị trí đơn giản và ít nguy hiểm hơn.
Họ lại đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, khiến tình thế của Olvera trong nhà tù càng trở nên đầy áp lực.
Còn nhiều hạn chế gây mất điểm
Ngoại trừ nam chính Diego Calva, dự án quy tụ dàn diễn viên không quá nổi tiếng nhưng tròn vai, giúp bộ phim dễ xem hơn.
Bản thân Diego Calva được biết đến qua series tội phạm Narcos: Mexico (2021). Anh càng trở nên nổi tiếng hơn khi được đạo diễn Damien Chazelle “chọn mặt gửi vàng” cho vai chính trong Babylon (2022), đóng cùng hai ngôi sao Margot Robbie và Brad Pitt, giúp anh nhận đề cử Quả cầu Vàng 2023 cho hạng mục Nam chính xuất sắc.
Nhưng kể từ đó, Diego Calva gần như chìm vào quên lãng với một sự nghiệp khá mờ nhạt tại Hollywood.
Trở về quê hương, nam diễn viên sinh năm 1992 quay lại hướng đóng series thay vì điện ảnh. Anh mang đến màn trình diễn đầy nội lực với diễn xuất biến hóa, khắc họa trọn vẹn sự chuyển biến tâm lý phức tạp của nhân vật chính Juan Olvera.
Đáng tiếc, diễn xuất của Diego Calva vẫn chưa đủ sức nặng để cứu một kịch bản thiếu điểm nhấn và sự phát triển tuyến truyện rời rạc.
Bộ phim hấp dẫn ngay từ tập đầu nhưng dần rơi vào tình trạng lê thê và dài dòng, với nhiều phân đoạn thiếu cao trào và kịch tính cần thiết.
Các biên kịch chưa xây dựng tốt câu chuyện để giữ chân khán giả xuyên suốt, tạo cảm giác như họ cố gắng kéo dài một câu chuyện ngắn thành series dài sáu tập nhằm phục vụ mục đích thương mại.
Hệ thống chính trị trong nhà tù, thế giới hỗn loạn và đầy tham nhũng được miêu tả có phần hơi cường điệu, thiếu thuyết phục.
Vai phản diện Calancho - kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn – được giới thiệu như một nhân vật đa chiều, đầy nguy hiểm với nhiều suy nghĩ khó đoán. Song, động cơ và quá khứ của hắn chưa được khai thác sâu, khiến nhân vật chưa thực sự ấn tượng và đáng nhớ.
Chỉ đến khi hai tập cuối, tác phẩm mới lấy lại phong độ nhưng khá muộn màng. Cái kết dù bùng nổ cũng không đủ để khỏa lấp những lỗ hổng trong cốt truyện và sự phát triển nhân vật thiếu chiều sâu.
Khi ra mắt, Phòng giam 211 nhận nhận xét không quá tốt từ các nhà phê bình lẫn khán giả, với điểm số trên IMDb là 5.7/10. Phần lớn đánh giá phim ở mức trung bình vì kịch bản có ý tưởng tốt nhưng cách triển khai chưa hấp dẫn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Dù còn vài hạn chế, Phòng giam 211 vẫn mang lại trải nghiệm giải trí khá thú vị. Đây là lựa chọn phù hợp với những ai yêu thích các series gay cấn, đậm tính bạo lực như Squid Game hay Money Heist.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-sau-cuoc-bao-loan-chet-nguoi-trong-tu-post1715404.tpo