Đằng sau điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước

Điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước (KTNN) có sự cải thiện qua các năm và cao hơn so với trung bình toàn cầu. 'Đó là điều đáng ghi nhận trong việc thực thi công khai ngân sách nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, áp lực đối với KTNN khi phải duy trì, cải thiện hơn điểm số này', ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - chia sẻ.

Cải thiện mức độ giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước

Dẫn số liệu khảo sát của Trung tâm Hội nhập và Phát triển (CDI), ông Vũ Ngọc Tuấn nêu rõ, năm 2023, giám sát ngân sách của KTNN đạt 89/100 điểm, cao hơn so với điểm trung bình toàn cầu (62/100 điểm). Nếu so với cả những giai đoạn trước, ví dụ năm 2021 là 89 điểm, giai đoạn 2017-2019 là dưới 80 điểm thì điều đó cho thấy sự cải thiện trong việc công khai ngân sách thông qua kết quả giám sát của KTNN.

Vấn đề quan trọng nhất là KTNN phải tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ trong việc đẩy mạnh, nâng cao công khai ngân sách nhà nước.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Vũ Ngọc Tuấn

Ông Tuấn cho biết, hằng năm, thực thi các quy định pháp luật, KTNN báo cáo với Quốc hội về tổng hợp kết quả kiểm toán năm cũng như kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Bình quân hiện nay, KTNN thực hiện khoảng 200 cuộc kiểm toán và phát hành khoảng 250 báo cáo kiểm toán (BCKT). Trong đó, thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hiện nay, KTNN cũng đã kiểm toán được 90% báo cáo quyết toán ngân sách các Bộ, ngành; 90% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh để phục vụ Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân xem xét phê chuẩn quyết toán. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN cũng lựa chọn chủ đề để kiểm toán và hiện nay, các cuộc kiểm toán chuyên đề chiếm khoảng 30%. Hằng năm, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng và kiến nghị hoàn thiện khoảng 200 nội dung tại các văn bản.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, KTNN đã tăng cường công khai các hoạt động kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán cũng như thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng. Trong đó, hiện nay, các hình thức công khai kết quả kiểm toán đã được thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật KTNN như: Tổ chức họp báo, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và các ấn phẩm của KTNN, hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như niêm yết tại đơn vị được kiểm toán. 2 năm gần đây, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công khai kết quả kiểm toán, ngoài việc tổng hợp báo cáo, KTNN cũng đã số hóa BCKT và cấp tài khoản cho đại biểu Quốc hội để thực hiện công khai. Như vậy, đại biểu Quốc hội có thể khai thác BCKT một cách kịp thời, chủ động.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Vũ Ngọc Tuấn. Ảnh: X.HỒNG

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Vũ Ngọc Tuấn. Ảnh: X.HỒNG

Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, đối với những cuộc kiểm toán khen thưởng đột xuất hay cuộc kiểm toán chất lượng vàng, ngay sau khi phát hành BCKT, KTNN cũng tiến hành công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, trong 2 năm gần đây, KTNN công khai danh mục các đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên Cổng thông tin điện tử của KTNN. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều tiến bộ. Nếu trước đây, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán khoảng 70% thì giai đoạn gần đây, tỷ lệ này là 75-80%; đặc biệt năm 2023, tỷ lệ thực hiện kiến nghị lên đến 87%.

Những thách thức, áp lực cần vượt qua

Nhấn mạnh chỉ số giám sát ngân sách của KTNN là con số đáng ghi nhận song ông Vũ Ngọc Tuấn cho rằng, điều này cũng đặt ra áp lực, thách thức đối với KTNN khi phải duy trì và phát huy tốt hơn vai trò giám sát ngân sách.

Về cơ bản, khung pháp lý liên quan đến công khai ngân sách và kết quả kiểm toán đã đầy đủ nhưng vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện. Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, các đối tượng tiếp cận, sử dụng BCKT cần được phân nhóm, phân loại. Ví dụ, đối với đơn vị được kiểm toán, KTNN phải cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả kiểm toán để đơn vị đó nắm được và chấn chỉnh, sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập của mình hoặc phải gửi đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước. Hoặc khi công khai một vấn đề, chẳng hạn như công khai về quản lý, sử dụng xe công, bên cạnh việc đưa ra đánh giá đơn vị sử dụng vượt định mức xe như thế nào, cần phải giải trình, minh bạch thông tin liên quan để người tiếp cận hiểu rõ vấn đề đó.

Liên quan đến các quy định pháp luật, hiện nay, chúng ta chưa có chế tài đối với những đơn vị, địa phương không công khai ngân sách. Vấn đề này theo ông Vũ Ngọc Tuấn cần được nghiên cứu thêm khi sửa Luật Ngân sách nhà nước sắp tới. Ở đây, trong quá trình kiểm toán, KTNN cũng sẽ kiểm toán việc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ về công khai ngân sách của các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách. “Tuy nhiên, khi chỉ ra việc không tuân thủ thì các kết luận và kiến nghị sẽ như thế nào? Đó cũng là vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh số hóa. Khi chuyển đổi dữ liệu, việc cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân, kể cả công chúng tiếp cận là hoàn toàn khả thi. Một vấn đề nữa là cơ chế phối hợp giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kết nối, chia sẻ thông tin. Ông Vũ Ngọc Tuấn ví dụ, hiện nay, bất cứ BCKT nào cũng đều gửi cho Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khi về Bộ Tài chính, việc chuyển báo cáo cho các đầu mối, đơn vị nào để khai thác, quản lý, sử dụng lại là một vấn đề. Bây giờ, nếu KTNN có dữ liệu số hóa thì cũng có thể kết nối với cả Bộ Tài chính và ngược lại, Bộ Tài chính cũng sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về mặt ngân sách để KTNN có thể chủ động thực hiện nhiệm vụ./.

THÀNH ĐỨC (ghi)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dang-sau-diem-so-giam-sat-ngan-sach-cua-kiem-toan-nha-nuoc-35389.html