Đằng sau hiện tượng hiếm gặp 'Đào, Phở và Piano'
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ với VietNamNet sáng 20/2 thông tin đã có nhà phát hành nhận phim 'Đào, Phở và Piano' mà không cần phân chia lợi nhuận.
Ra rạp 'không kèn không trống' nhưng gây sốt không ngờ
Đào, Phở và Piano là một trong hai phim được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước năm 2023 với kinh phí 20 tỷ đồng. Ngoại trừ suất chiếu ra mắt tại Hà Nội cũng như buổi chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua Đào, Phở và Piano mới chính thức ra rạp.
Tuy nhiên, Nhà nước chỉ rót tiền sản xuất mà không có kinh phí quảng bá và phát hành phim nên Đào, Phở và Piano âm thầm ra rạp 'không kèn không trống'. Chỉ những khán giả đến Trung tâm chiếu phim Quốc gia dịp Tết Nguyên đán hay lên website của Trung tâm mới biết đến sự có mặt của phim ngoài rạp. Ngay cả một số diễn viên tham gia Đào, Phở và Piano cũng không chia sẻ thông tin phim được công chiếu từ mùng 1 Tết.
Đào, Phở và Piano là trường hợp đặc biệt khi chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội và doanh thu được nộp hoàn toàn vào ngân sách. Trong khi khán giả còn đang phát sốt vì phim Mai của Trấn Thành với doanh thu kỷ lục và lượt người xem mơ ước dịp Tết thì bất ngờ Đào, Phở và Piano trở thành từ khóa tìm kiếm trên Google.
Từ những bài chia sẻ trên mạng xã hội về bộ phim, Đào, Phở và Piano phút chốc trở nên nổi tiếng. Nhưng do số suất chiếu ít ỏi và chỉ được chiếu duy nhất tại một cụm rạp nên việc săn vé trở nên vô cùng khó khăn. Lượng người xem truy cập website Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội để đặt vé online những ngày qua tăng mạnh khiến trang này bị sập đến trưa 20/2 vẫn chưa thể hồi phục.
Hiện lượng vé đặt trước cho các suất chiếu ngày 20/2 đã hết và Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội có kế hoạch cắt bớt suất chiếu của các phim khác để nhường chỗ cho Đào, Phở và Piano vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đào, Phở và Piano đã tạo nên hiện tượng chưa từng có đối với một bộ phim đề tài lịch sử do nhà nước đặt hàng. Theo Box Office Việt Nam, tính đến sáng ngày 20/2, phim thu về gần hơn 500 triệu đồng. Với 16 suất chiếu trong ngày và hơn 3.300 vé bán ra, tỷ lệ lấp đầy phòng chiếu của Đào, Phở và Piano rất lớn, thậm chí vượt qua của Mai của Trấn Thành.
Có đơn vị chấp nhận phát hành ''Đào, Phở và Piano' và không đòi hỏi phần trăm lợi nhuận
Trước sức nóng của phim, Cục Điện ảnh đã đề xuất Bộ VHTTDL phát hành rộng rãi phim trên toàn quốc chứ không chỉ khu biệt ở đơn vị sự nghiệp như Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL khuyến khích các đơn vị tham gia phát hành phim Đào, Phở và Piano cũng như những phim Nhà nước đặt hàng và phim Việt nói chung.
Sáng 20/2, VietNamNet đã liên hệ với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành. Trước câu hỏi: Sau đề xuất của Cục Điện ảnh, đã có diễn biến gì mới về hướng phát hành rộng rãi cho bộ phim đến với đông đảo khán giả?
Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc chi phần trăm cho nhà phát hành, phổ biến phim. Đào, Phở và Piano là phim 100% vốn Nhà nước trong khi các nhà phát hành phim đều là tư nhân và liên doanh với nước ngoài nên khi phát hành họ phải được hưởng phần trăm doanh thu. Còn Trung tâm chiếu phim Quốc gia là đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chiếu phim để phục vụ khán giả, toàn bộ doanh thu phải nộp ngân sách Nhà nước.
Việc phát hành phim rộng rãi cần có cơ chế thống nhất. Nhưng đến hôm qua thì đơn vị Beta cinemas đã chấp nhận phát hành Đào, Phở và Piano và không đòi hỏi phần trăm lợi nhuận. Vấn đề là chúng ta chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm cho các nhà phát hành chứ không phải Bộ VHTTDL không muốn phổ biến phim rộng rãi".
VietNamNet đặt câu hỏi: Vậy sau 'Đào, Phở và Piano', Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa có sớm đưa ra quy chế cho các phim sử dụng ngân sách sau này được phát hành rộng rãi hơn để không xảy ra trường hợp như 'Đào, Phở và Piano'?
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, phải có quy định thống nhất cho phim sử dụng 100% ngân sách hoặc Nhà nước phải cấp kinh phí cho Bộ Văn hóa để phát hành, phổ biến phim đặt hàng vì các bộ phim này chỉ được cấp chi phí sản xuất. "Phải có kinh phí phát hành phổ biến mới giải quyết ngay được việc này", ông Thành nói.
Cách đây đúng 10 năm, phim điện ảnh được làm từ 21 tỷ đồng tiền Nhà nước là Sống cùng lịch sử khiến khán giả đau xót vì ra rạp nhưng không bán nổi 1 vé. Sự thất bại của phim làm từ ngân sách, đặc biệt phim đề tài lịch sử khiến nhiều người mất lòng tin. Tuy nhiên, cú đảo chiều của Đào, Phở và Piano cho thấy các phim đặt hàng hay đề tài lịch sử kén khách nếu làm hay thì dù có chiếu ở phạm vi hạn chế, khán giả cũng tìm xem bằng được.
Từ cơn sốt bất ngờ của Đào, Phở và Piano cũng bộc lộ điểm yếu của các phim làm từ ngân sách Nhà nước hiện nay khi chỉ được rót tiền sản xuất mà không có kinh phí phát hành, quảng bá. Điều này khiến các tác phẩm thiệt thòi trong hành trình đến với người xem. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc sửa đổi cơ chế trong thời gian tới để các bộ phim này có thể tiếp cận với công chúng rộng rãi hơn.
Trailer phim 'Đào, Phở và Piano'