Đằng sau những cuộc 'giải cứu nông sản (Kỳ 1: Điệp khúc được mùa, mất giá)

Xuất hiện vài năm trở lại đây, cụm từ “giải cứu nông sản” dường như đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân cả nước. Và với địa phương là trung tâm của những cuộc giải cứu nông sản như Quảng Nam thì cụm từ trên không phải là một niềm vui đối với bà con nông dân mà trở thành nỗi ám ảnh. Điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại khiến không chỉ người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề mà còn khiến ngành nông nghiệp bao phen điêu đứng. Còn lại gì phía sau những đợt giải cứu nông sản?

 Huyện Phú Ninh – thủ phủ của dưa hấu Quảng Nam vừa chứng kiến một đợt “giải cứu” quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Huyện Phú Ninh – thủ phủ của dưa hấu Quảng Nam vừa chứng kiến một đợt “giải cứu” quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Cây ớt là cây trồng chính của vụ đông xuân tại các vùng bãi bồi Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên với diện tích lớn. Trước nhu cầu của thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Trung Quốc), nông dân nhiều vùng đầu tư trồng các giống ớt lai để bán ớt tươi. Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng loại nông sản này liên tục rớt giá, từ 20 nghìn đồng/kg đầu vụ xuống còn 10 nghìn đồng/kg, và hiện còn 5-5,5 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên khi P.V phỏng vấn một số bà con nông dân trồng ớt, họ vẫn cho rằng đây là mức giá “chấp nhận được”, có năm ớt còn xuống giá đáy 2.500 đồng/ kg. Ông Nguyễn Văn Bốn (thôn Thọ Xuyên, H. Duy Xuyên) cho biết: “Làm ớt nếu gia đình nào đông con, đông nhân công ra hái ớt thì còn lời ít nhiều chứ nếu thuê người hái thì coi như huề vốn. Một ngày công hái ớt là 150 nghìn đồng thì thử hỏi bao nhiêu ký ớt bán mới đủ trả? Thương lái họ tính toán hết rồi, họ chỉ chừa cho mình đủ một số tiền lời nhất định để sang năm mình còn trồng tiếp chứ không có cho mình có lời nhiều”.

Vùng chuyên canh cây màu thôn Phước Bình (xã Đại Minh, Đại Lộc) được quy hoạch bài bản cho nông dân trồng ớt. Phần lớn trồng ớt trên 20ha trong tổng số 30ha quy hoạch. Vụ ớt đông xuân 2017 - 2018 được kỳ vọng có thể cứu vãn lại tình hình các loại cây rau củ quả chính vụ cho thu nhập thấp do mưa lũ cuối năm tuy nhiên tình hình thực tế vẫn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bé (thôn Phước Bình) cho hay chỉ mới hái bán được lứa ớt đầu giá 6 nghìn đồng/kg, rồi chẳng thấy thương lái đến mua. “Có nhiều hôm ớt chín đỏ đồng mà cứ chần chừ không dám hái sợ hái về giá thấp lại đổ đống. Rồi cũng có hôm nghe giá ớt lên dân chúng tôi túm tụm nhau đi bán nhưng tới nơi họ kêu nhập đủ rồi mai mới nhập tiếp. Nói thiệt, cứ tới mùa là đau tim với giá ớt”. Trước thực trạng trên, HTX Nông nghiệp Đại Minh đã nỗ lực thu mua cho nông dân với giá 7 nghìn đồng/kg ớt tươi chín đỏ, cao hơn so với thị trường nhưng cũng chỉ giải quyết tầm 4 tấn ớt tươi cho nông dân là bế tắc. Còn theo ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên thì ớt của nông dân chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng năm nay, tại Trung Quốc ớt được mùa nên hạn chế nhập khẩu, khiến giá ớt giảm sâu. Tuy nhiên, để giải quyết đầu ra cho nông dân, H. Duy Xuyên đã liên kết với Cty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Việt Thắng (đóng tại thôn Thọ Xuyên). Theo đó ký hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu 40ha nông sản ớt tại 2 xã Duy Châu, Duy Trinh, nên nhiều diện tích vẫn có đầu ra, không phải bỏ khô tại đồng.

Ông Bốn cho biết nông dân “chấp nhận” mức giá ớt thấp vì họ không thể chủ động đầu ra.

Ông Bốn cho biết nông dân “chấp nhận” mức giá ớt thấp vì họ không thể chủ động đầu ra.

Tháng 5 vừa qua, người dân cả nước chứng kiến một đợt “giải cứu dưa hấu” quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, nhiều ruộng dưa hấu ở H. Phú Ninh (Quảng Nam) đến kỳ thu hoạch, nông dân chấp nhận bán giá 2.000 đồng mỗi kg nhưng vẫn không có người mua. Theo ước tính của người dân, riêng địa bàn H. Phú Ninh - "thủ phủ" dưa hấu của Quảng Nam, khoảng 2.000 tấn dưa chín đã được "giải cứu". Bà Mai Thị Cúc (trú TT Phú Thịnh) cho biết dù đến mùa thu hoạch nhưng do Trung Quốc dừng mua, thương lái ép giá, khoảng 3.000 tấn dưa hấu của nông dân ở H. Phú Ninh phải nằm đồng. “Dưa hấu có vụ không thể bảo quản được lâu nhưng thương lái chỉ đưa ra giá 1.200 đồng/kg. Tuy nhiên phải bán được 3.000 đồng/kg nông dân mới lại vốn, may mắn sao đợt vừa qua có nhiều đơn vị đến giải cứu nếu không nông dân chúng tôi điêu đứng”, bà Cúc nói. Tình hình dưa hấu “bế tắc” đầu ra đến nỗi ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đã viết thư gửi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kêu gọi mua dưa hấu ủng hộ nông dân. Bức thư viết: "Những ngày gần đây, giá dưa hấu tại Quảng Nam giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 1.000 đồng mỗi kg khi đang vào vụ thu hoạch, khiến nông dân thua lỗ nặng. Hiện lượng dưa hấu còn tồn đọng trong dân khoảng 55 ha, tập trung chủ yếu ở xã Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Phước... của H. Phú Ninh. Để giải quyết đầu ra nhằm ổn định đời sống cho bà con nông dân, Sở Nông nghiệp Quảng Nam kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, giúp bà con vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay".

Nói về nguyên nhân dư thừa dưa hấu để rồi điệp khúc “giải cứu dưa hấu” lặp đi lặp lại, ông Ngô Tấn cho biết theo quy hoạch vùng trồng dưa tại H. Phú Ninh chỉ khoảng 400 ha là đủ. Khi đó sản lượng dưa thu hoạch có thể bán với giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thấy dưa giá cao thời gian qua, nông dân đã ồ ạt trồng thêm, dẫn tới diện tích tăng lên khoảng 100 ha nữa. Kết hợp thời tiết thuận lợi, dưa được mùa nên lượng thu hoạch lớn. Điều này đã được lường trước nhưng vẫn chưa có biện pháp căn cơ để giải quyết. “Hiện nay, sau vụ giải cứu dưa chúng tôi sẽ xem lại quy hoạch, làm sao trồng đủ diện tích thôi. Không để người nông dân ồ ạt trồng dẫn tới ứ đọng như thế này. Bên cạnh đó phải tìm biện pháp căn cơ chứ không thể trông chờ vào những cuộc giải cứu mãi được”, ông Tấn cho biết. Không chỉ riêng Quảng Nam với các sản phẩm ớt, dưa hấu chịu cảnh được mùa mất giá suốt nhiều năm mà hiện nay trên cả nước còn chứng kiến cảnh vải thiều, hành tím bị đổ đống vì không có thương lái đến mua. Trong diễn đàn “Kinh tế Việt Nam – Chuyên đề nông nghiệp” diễn ra vào ngày 5-6, có ý kiến cho rằng “Nông sản Việt như cô gái đẹp nhưng chỉ biết ngồi chờ người khác đến hỏi mua”. Có lẽ nhận xét này đã chỉ ra rõ ràng sự thụ động trong cách quảng bá thương hiệu nông sản, có sản phẩm trong tay nhưng không biết cách tiếp cận thị trường. Để rồi chính sự thụ động đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, và nhiều cuộc giải cứu bất tận vẫn chưa có hồi kết.

Đồng Dao

Kỳ cuối: KHI THƯƠNG LÁI “LÀM LUẬT”

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_190625_dang-sau-nhung-cuoc-giai-cuu-nong-san-ky-1-diep-khuc-duoc-mua-mat-gia-.aspx