Đằng sau 'phép màu' của chú voi có chiếc chân giả: Công nghệ có ý nghĩa rất lớn với con người
Một con voi châu Á bị mất chân vì sập bẫy khi mới một tuổi. May mắn thay, nó đã có thể đi, chạy và bơi sau khi được gắn chân giả.
Chú voi có chân giả
Chú voi Chhouk, hiện 11 tuổi, bị mất chân khi mắc bẫy của thợ săn trộm và được phát hiện trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng với vết thương bị nhiễm trùng nguy hiểm.
Chú voi mồ côi được Liên minh Động vật hoang dã, một tổ chức bảo tồn ở Campuchia, nhận nuôi. Tổ chức này hợp tác với Paradise Wildlife Park, một nhóm có trụ sở tại Vương quốc Anh và hiện đang giúp tài trợ chân giả cho chú voi.
Được biết, chiếc chân giả được làm từ cao su tái chế và cần thay khoảng sáu tháng một lần khi con voi tiếp tục phát triển về kích thước.
Cam Whitnall, 27 tuổi, nhân viên công viên động vật hoang dã, đã chia sẻ những bức ảnh và đoạn phim quay cảnh Chhouk được lắp chiếc chân giả mới nhất. Anh chia sẻ: "Thật tuyệt vời, bạn không thể không mỉm cười. Đó là một khoảnh khắc thực sự đặc biệt. Giúp đỡ động vật là một cảm giác thực sự không gì sánh bằng".
"Chú voi đã nhận được sự chăm sóc tuyệt vời và giờ chú voi có một cuộc sống tốt. Không có cảm giác nào tuyệt hơn như vậy nữa".
Chú voi lần đầu tiên được giải cứu khi còn là một chú voi sơ sinh tại Vùng hoang dã Srepok ở Mondulkiri vào năm 2007. Bàn chân bị nhiễm trùng của chú voi đã được những người cứu hộ điều trị và Công viên động vật hoang dã Paradise đã phục hồi chức năng cho con vật.
Anh Whitnall giải thích rằng việc thay các bộ phận giả không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhân viên kiểm lâm của công viên, đồng thời nói rằng họ phải dùng thức ăn để đánh lạc hướng khi thay chân giả cho voi.
Anh giải thích: "Họ sử dụng thức ăn và dùng hệ thống kẹp để giúp chú voi xoay người và điều chỉnh cơ thể, sau đó xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo chú voi không gặp vấn đề gì".
Anh Whitnall cho biết, một chiếc chân giả nặng khoảng 20kg và tốn khoảng 1.500 USD mỗi năm để duy trì.
Nhà bảo tồn Nick Marx của Liên minh Động vật hoang dã đã giải cứu chú voi con và với sự giúp đỡ của Exceed Worldwide, cùng một chú voi tên Lucky, Nick đã chăm sóc cho Chhouk khỏe mạnh trở lại và làm cho chú một chiếc chân giả với sự giúp đỡ của nhóm lâm sàng của Exceed.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Phục hồi Thể chất Phnom Penh đã làm việc không mệt mỏi để tạo ra một chi giúp Chhouk có thể đi lại được.
Sisary là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm đào tạo về Bộ phận giả và Chỉnh hình của Đại học Salford có trụ sở tại Campuchia.
Hữu ích cho con người
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong giáo dục về bộ phận giả và chỉnh hình cũng như y tế lâm sàng, Sisary đã và đang cung cấp hỗ trợ thay đổi cuộc sống cho những người khuyết tật.
Đề tài nghiên cứu tiến sĩ của cô tập trung vào các bộ phận giả và dụng cụ chỉnh hình với tính bền vững, thực hiện đổi mới và đo lường tác động cũng như hiểu biết về quản lý tài chính công.
Sisary cho biết: "Nhóm thử nghiệm các thiết kế khác nhau, và lần này, để chân giả bền hơn, chúng tôi bọc nhựa cứng nhưng dẻo. Đối với chân giả cố định, chúng tôi thêm thắt lưng. Để chân giả thoải mái, chúng tôi đệm bằng xốp. Chân giả của Chhouk có hai phần riêng biệt, phần bên trong mềm dẻo và phần bên ngoài cứng, bền với lốp máy kéo ở phía dưới. Chhouk cũng đi tất đặc biệt để tránh bị cọ xát".
"Cứ sau sáu tháng, chú voi lại cần một chiếc chân giả mới, và lần nào chúng tôi cũng làm việc cùng nhau để tạo ra chiếc chân phù hợp nhất. Cho đến nay, Chhouk đã có 17 chiếc cái chân giả".
Nghiên cứu bộ phận giả không chỉ có ích đối với chú voi, mà còn là tiền đề cho các sản phẩm hỗ trợ con người.
Sisary giải thích: "Hơn 20 năm qua, với sự hỗ trợ của nhóm, tôi đã hỗ trợ những người khuyết tật sống trong cảnh nghèo đói ở Đông Nam Á bằng cách cung cấp các dịch vụ chỉnh hình và chân tay giả miễn phí".
"Thật vui khi thấy khách hàng của chúng tôi đi lại được, hoàn thành việc học, kết hôn, được tuyển dụng, trở thành những người dẫn đầu trong nghề nghiệp của họ, tạo ra thu nhập độc lập và sống một cuộc sống không phụ thuộc".
"Vẫn còn nhiều thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt ở những môi trường kém may mắn về nguồn lực và chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy một xã hội hòa nhập hơn mà không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau", cô nói.