Đằng sau sự rạn nứt của Liên minh Mỹ – Hàn
Là một trong những đối tác trung thành nhất của nhau, song quan hệ Mỹ - Hàn Quốc không còn mấy mặn nồng trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi Seoul và Washington không đạt được tiến triển trong vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quân sự khi Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tăng mạnh các khoản chi cho việc duy trì Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Bất đồng về mục đích ngày càng lớn đang đòi hỏi mối quan hệ đồng minh này phải điều chỉnh.
Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã có lịch sử lâu đời, bắt đầu được tổ chức kể từ khi giao tranh chấm dứt trên Bán đảo Triều Tiên năm 1953. Bản thân các cuộc tập trận thường mô phỏng các tình huống chiến đấu thực tế - các cuộc đổ bộ, tập trận bắn đạn thật, diễn tập chống khủng bố và các kế hoạch chiến đấu mô phỏng trên máy tính.
Các cuộc tập trận là sự rèn luyện quan trọng đối với các lực lượng đóng tại Hàn Quốc, đặc biệt là những binh sĩ Mỹ được luân phiên điều động tới khu vực theo các đợt triển khai kéo dài một năm. Việc không tiến hành các cuộc tập trận có nguy cơ làm suy yếu “năng lực của quân đội Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc để đối phó với nhiều tình huống quân sự khác nhau”.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo Thỏa thuận Những biện pháp đặc biệt (SMA) mà hai bên đã nhất trí, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, tại các vòng đàm phán diễn ra năm 2019 về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc để tiến tới ký kết SMA lần thứ XI, Washington yêu cầu Seoul góp gần 5 tỷ USD trong năm 2020 cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc USFK.
Theo thỏa thuận hiện tại, dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2019, Seoul đồng ý đóng góp 870 triệu USD. Kể từ đó, nhiều tổ chức tại Hàn Quốc đã kêu gọi Seoul tuyên bố đóng băng các khoản đóng góp tài chính cho USFK và chỉ trích yêu cầu của Washington về việc tăng chi phí đóng góp này.
Giới phân tích cho rằng việc Washington quyết định đặt vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Hàn Quốc và Mỹ lên hàng đầu cho thấy sự cần thiết của hai nước trong việc mở rộng đối thoại giữa hai bên và cân nhắc những điều chỉnh toàn diện với mối quan hệ đối tác quốc phòng. Hai bên nên cân nhắc cách thức có thể khiến liên minh tạo điều kiện tốt hơn cho khả năng Hàn Quốc hợp tác với Trung Quốc, một nhân tố không thể thiếu trong vấn đề an ninh liên Triều, trong việc giải quyết một cách hòa bình những chia rẽ trên Bán đảo Triều Tiên.
Sự chia rẽ chính trị tại khu vực này không mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào, bởi nó chỉ kéo dài thêm nỗi ám ảnh dai dẳng và làm suy yếu những cơ hội cho sự hợp tác kinh tế, chẳng hạn như Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc.
Washington bề ngoài có vẻ hy vọng Bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất và hòa bình, song sự khác biệt tiềm tàng giữa nỗ lực tái thống nhất của Hàn Quốc với những lợi ích của Mỹ trong việc kiềm chế CHDCND Triều Tiên đã dần hé lộ từ trước cả khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chìa tay ra với Bình Nhưỡng.
Việc áp đặt mức chia sẻ trách nhiệm lớn hơn về quốc phòng của Hàn Quốc lên vai Seoul có thể khiến vai trò của Mỹ trong vấn đề an ninh Hàn Quốc giảm đi. Nó còn có thể giúp Hàn Quốc trở thành nhân tố dẫn dắt các hành động răn đe CHDCND Triều Tiên và thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần phải duy trì trách nhiệm kiềm chế các năng lực đặc biệt của Bình Nhưỡng trong một liên minh đã được điều chỉnh. Đây nên là một trong những bổn phận quốc phòng then chốt của Washington đối với Hàn Quốc cho đến khi nào tất cả các bên nhất trí về một sự đáp trả với các năng lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc hiện có một lực lượng quân đội toàn thời gian với 58.000 lính, cùng với hơn 3 triệu quân dự bị. Hàn Quốc còn sở hữu một sự vượt trội về công nghệ. Hàn Quốc cơ bản có thể dựa vào sức mạnh răn đe của bản thân để đối phó với mối đe dọa truyền thống, từ đó giảm bớt nhu cầu đối với việc Mỹ triển khai 28.500 lính trên Bán đảo Triều Tiên.
Sự tiếp tục hiện diện của các binh lính Mỹ tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc tiếp tục coi CHDCND Triều Tiên là một vùng đệm. Việc giảm số lượng lính Mỹ triển khai ở Hàn Quốc có thể giúp mở ra một cánh cửa cho sự hợp tác chính sách lớn hơn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong nỗ lực tái thống nhất một cách hòa bình bán đảo này.
Mỹ có vẻ đang hăng hái tái định hình mối quan hệ quốc phòng của mình với Hàn Quốc, khiến bản thân rơi vào chính sách ngăn chặn của Trung Quốc. Một lý do then chốt cho sự không thỏa mãn của Washington với ý muốn rút khỏi Thỏa thuận Thông tin an ninh quân sự chung với Nhật Bản của Seoul vào cuối năm 2019 chính làvị thế trung gian của Mỹ trong đối phó với Trung Quốc mà sự rút lui này có thể gây ra.
Nỗ lực đặt mối liên minh Hàn-Mỹ lên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Washington với Bắc Kinh có thể sẽ làm sụp đổ những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm hợp tác về an ninh với Trung Quốc. Xét về sức ảnh hưởng vô song của Trung Quốc với Bình Nhưỡng và những lợi ích của họ trên Bán đảo Triều Tiên, Seoul sẽ phải hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo này.
Hàn Quốc khát khao được duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Điều này được chứng minh qua sự tái xích lại gần nhau giữa hai bên sau một giai đoạn quan hệ đóng băng vì Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối.
Việc Mỹ tiếp tục duy trì số lượng lớn binh lính ở Hàn Quốc sẽ khiến bất kỳ sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề thống nhất sẽ gặp khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi.